NASA phát triển robot trực thăng do thám Sao Hỏa

Những khám phá mới thường nằm sau những ranh giới mới, nhưng phải làm sao nếu tầm nhìn của bạn không thể vượt qua được ranh giới đó? Đây cũng chính là vấn đề mà NASA đang gặp phải với chương trình do thám Sao Hỏa với các robot do thám mặt đất (rover). Vậy nên cơ quan không gian này đang phát triển một loại robot trực thăng mới, nhằm giúp mở rộng phạm vi do thám, cung cấp về Trái Đất những dữ liệu quan trọng để điều hướng cho các robot khác.

Khi nhắc đến việc thăm dò Sao Hỏa, thế hệ robot hiện tại của NASA đều gặp một vấn đề vô cùng lớn. Các robot Curiosity (Tò Mò) và Opportunity (Cơ Hội) chỉ có thể nhìn được xa trong phạm vi mà cột camera của chúng cho phép. Đối với một hành tinh nhỏ có đường chân trời khá gần như Sao Hỏa thì phạm vi này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên bề mặt Sao Hỏa có địa hình gồ ghề với nhiều đồi núi, tạo nên rất nhiều “điểm mù” (blind spots). Các vệ tinh nhân tạo, như Mars Reconnaissance Orbiter (Vệ tinh trinh thám Sao Hỏa) có thể thu thập bản đồ của cả khu vực, nhưng sử dụng các dữ liệu đó để dẫn đường cho robot thì không hiệu quả chút nào. Để cho dễ hình dung thì cứ tưởng tượng như bạn đang được hướng dẫn đậu xe bởi một người ở xa đến 8km và quan sát bạn bằng ống nhòm vậy.

Một giải pháp mà NASA đang nghiên cứu đó là gửi đi một robot trực thăng có kích thước chỉ bằng hộp khăn giấy đến Sao Hỏa để làm công tác trinh sát hỗ trợ cho thế hệ robot thăm dò mặt đất tiếp theo. Hiện tại dự án này đã đi vào giai đoạn thực nghiệm ý tưởng, chiếc trực thăng thăm dò sẽ cần có khả năng bay phía trước (các robot khác), sử dụng camera và các cảm biến để xác định chướng ngại vật, tìm con đường nhanh nhất và ít nguy hiểm nhất cho hành trình của robot.

Theo NASA, trực thăng này sẽ có trọng lượng giới hạn tối đa 1kg, cùng một cặp cánh quạt xoay theo chiều kim đồng hồ có chiều dài 1.1m. Do áp suất trên sao Hỏa vô cùng yếu nên rotor sẽ cần phải lớn để có thể tạo ra lực nâng vừa đủ, tốc độ quay dự kiến là từ 2,400 RPM (vòng/phút).

Robot trực thăng này cũng được trang bị một tấm pin năng lượng mặt trời trên đầu rotor. Điện năng thu được từ tấm pin này đủ để trực thăng cất và hạ cánh liên tục với thời gian bay khoảng 2-3 phút mỗi chuyến và khoảng cách 500m. Đồng thời năng lượng này cũng được sử dụng để làm ấm cho thiết bị vì buổi tối trên Sao Hỏa khá lạnh.

NASA hiện đã tiến hành thử nghiệm nguyên mẫu trong buồng chân không tại Jet Propulsion Laboratory, Pasadena, Califorrnia, mô phỏng điều kiện áp suất tại Sao Hỏa.

Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi clip dưới đây.


Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan