Nguồn: suckhoedoisong.vn
Việc chịu đựng sẽ khiến công việc trở nên khó chịu và hiệu quả cũng không được tăng cao
Khi chúng ta làm việc hẳn ai cũng từng cảm thấy “khó chịu”, “bất mãn”, “không thoải mái”, “thiếu tự do”. Nếu chúng ta chịu đựng tất cả điều này tại nơi làm việc thì dần dần công việc hiện tại sẽ trở khó chịu và hiệu quả công việc cũng vì thế mà kém đi. Khi sự chịu đựng này vượt quá một giới hạn cho phép thì việc muốn từ bỏ là không thể tránh khỏi.
Ngược lại, nếu lấy suy nghĩ “cần phải cố gắng hơn nữa” làm cơ sở thì không những công việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn mà kết quả cũng sẽ được từng bước nâng cao.Thực tế thì không ít người cũng suy nghĩ rằng “khi quen việc rồi thì sự mất tự do cũng dần biến mất” và tiếp tục cố gắng.
Tại một doanh nghiệp áp dụng phương thức Toyota, ông B người đứng đầu doanh nghiệp này đã nói với nhân viên của mình rằng “Nếu cảm thấy cực khổ hay nhọc nhằn” thì hãy thử suy nghĩ xem “liệu có cách nào để công việc trở nên dễ dàng hơn?”, đây là điểm mấu chốt trong hoạt động Kaizen (cải thiện).
Nếu quan sát thật kĩ, bạn sẽ thấy trong công việc có cả núi việc có thể Kaizen
Trong hoạt động Kaizen, không ít các công ty được tiến hành theo chỉ đạo của cấp trên nhưng cũng có những nơi chính nhân viên lại là người đưa ra đề xuất trước tiên tại công xưởng. “Chỗ này nên làm thế này thì tốt hơn?”. Tại công ty của ông B, số lượng đề xuất Kaizen được đưa ra khá ít. Bởi vì, họ làm theo cách, cấp trên ra lệnh “Hãy đưa ra đề xuất Kaizen” và cấp dưới trả lời rằng “Thật quá khó”.
Và để cải thiện tình trạng này ông B đã đưa ra ý tưởng “Gợi ý cho đề xuất Kaizen là làm rõ ràng, cụ thể những khó khăn, trở ngại, bất tiện… trong công việc hàng ngày”.
Ví dụ, nếu có một dụng cụ khó sử dụng thì hãy thử suy nghĩ xem làm thế nào để có thể sử dụng dễ dàng dụng cụ đó. Trong trường hợp tự bản thân không để đưa ra một phương án hợp lý thì hãy thử trao đổi với người xung quanh để cùng tìm ra một cách sử dụng tốt nhất. Cứ như thế ý tưởng sẽ dần được hình thành.
Từ sau ý tưởng của ông B, số lượng đề án Kaizen được đưa ra ngày càng nhiều hơn, thậm chí có những tháng lên tới hơn 1000 ý tưởng. Khi những ý tưởng này được thực hiện thì thành tích cũng nhờ đó mà tăng lên. Hơn tất cả là ý thức của nhân viên đã được cải thiện rõ rệt. Trước kia, có những người cứ tới công ty là than vãn “Sao công việc không kết thúc sớm nhỉ?” và luôn nhìn đồng hồ khi làm việc, thì bây giờ công việc đã trở nên thú vị hơn, họ chú ý nhiều hơn để đưa ra nhiều đề án Kaizen. Cũng vì thế mà việc tới công ty hàng ngày trở thành một niềm vui.
Ông Honda (người sáng lập ra công ty Honda) cũng từng nói rằng “Hãy tiếp xúc mọi thứ với ánh mắt “quan sát” chứ không chỉ với cái nhìn đơn thuần”. Nếu bảo một người chăn trâu vẽ lại con trâu đó thì khó mà có thể biết cái tai và cái sừng, cái nào nằm phía trước. Nhưng với một người họa sỹ, chỉ với một cái nhìn lướt qua cũng có thể vẽ chính xác. Bởi vì người họa sỹ có con mắt “quan sát”.
Vì vậy, việc “quan sát” những khó khăn, vất vả trong công việc hàng ngày sẽ là những gợi ý cho hoạt động Kaizen.
Đừng cố gắng chịu đựng những trở ngại hay bất tiện trong công việc, hãy thử tập cho mình thói quen suy nghĩ xem “liệu có cách làm khác tốt hơn hay không?”. Tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể đưa ra ý tưởng mới nhưng khả năng đưa ra ý tưởng cũng nhờ đó mà tăng cao hơn. Việc chịu đựng cũng có thể nói là đức hạnh, tuy nhiên nếu để nó trở thành thói quen thì công việc sẽ không còn gì là thú vị nữa.
Biên tập: Bùi Linh
Theo cuốn “Toyota’s Amazing Improvement Techniques” – Yoshihito Wakamatsu