Công nghệ lắng đọng nhiều lớp (Selective Deposition Lamination- SDL) là công nghệ in 3D độc quyền được phát triển và sản xuất bởi công ty công nghệ Mcor Technologies. Nghe đến đây có thể bạn đọc hiểu biết về kỹ thuật sẽ không khỏi thắc mắc về điểm giống nhau của công nghệ này và công nghệ gia công vật thể nhiều lớp (Laminated Object Manufacturing process- gọi tắt LOM) được phát triển bởi Helisys vào năm 1990. Đúng vậy, cả hai công nghệ này đều gia công bằng cách ghép lớp và tạo hình giấy để tạo thành sản phẩm cuối cùng, nhưng chỉ có thế mà thôi.
Công nghệ in 3D SDL xây dựng từng lớp của chi tiết, sản phẩm với vật liệu chỉ là giấy in theo chuẩn thông thường. Mỗi lớp được cố định, dính vào lớp trước nó bằng keo dán (được phun theo biên dạng xác định của dữ liệu 3D từ máy tính). Điều này có nghĩa rằng, nếu một mật độ lớn keo dính được phun lên một vùng diện tích, thì đó sẽ là khu vực hình thành sản phẩm. Còn nếu mật độ keo dính phun lên vùng diện tích (hoặc xung quanh vùng diện tích) tương đối thấp, thì đó sẽ là vùng hỗ trợ, đảm bảo cho sản phẩm tạo thành dễ xử lý sau gia công, hay dễ được tách ra khỏi khu vực gia công hơn. So sánh với công nghệ LOM đã nhắc ở trên thì công nghệ LOM hầu như dính tất cả các phần lại với nhau bao gồm cả lớp vật liệu hỗ trợ xung quanh sản phẩm, với cùng một mật độ. Do đó việc tách sản phẩm ra sẽ gặp nhiều khó khăn và đôi khi làm hỏng sản phẩm.
Sau khi một tấm giấy được đặt vào trong máy in 3D, thông qua một cơ cấu cung cấp giấy, và đặt lên trên một lớp keo dính đã được phun sẵn theo một diện tích xác định trên lớp giấy trước đó, toàn bộ tấm nền sẽ được đẩy lên trên, nơi có sẵn một tấm nhiệt. Một áp lực sẽ được đặt lên bề mặt của sản phẩm, để đảm bảo mối liên kết tốt giữa hai tấm giấy. Tấm nền sau đó sẽ trở về vị trí ban đầu và một dao cắt vonfram cacbua (Tungsten carbide) có khả năng điều chỉnh để chỉ cắt một lớp giấy trong một thời điểm, sẽ cắt viền và tạo thành các cạnh bên của sản phẩm. Sauk hi quá trình cắt hoàn tất, máy in 3D sẽ tiếp tục đặt lớp keo dính tiếp theo và quá trình này tiếp diễn cho đến khi toàn bộ sản phẩm được thành hình.
Công nghệ SDL là một trong số ít các công nghệ in 3D có thể tạo ra các sản phẩm, chi tiết với nhiều màu sắc khác nhau (đủ các màu trong bảng màu theo chuẩn CYMK) thông qua việc in sẵn màu trên giấy. Ngoài ra do vật liệu chính là giấy in nên sản phẩm sau khi tạo thành cũng không đòi hỏi thêm quá trình xử lý sau gia công nào và có thể sử dụng ngay lập tức. Sản phẩm tạo thành cũng khá bền, không bị giòn và dễ gãy vỡ. Nếu muốn sản phẩm cuối có khả năng chống nước, người sử dụng có thể sử dụng phương pháp trám keo.
Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về phương pháp này trong clip dưới đây:
Biên dịch: Trungmaster,
theo:
-THE FREE BEGINNER`S GUIDE TO 3D PRINTING, 3dprintingindustry
–mcortechnologies.com