Những góc nhìn về sự biến động kinh tế trong 30 năm tới

30 năm sau kinh tế thế giới sẽ có những biến động như thế nào? Sự thay đổi dân số, sự phát triển của khoa học và kỹ thuật dự đoán sẽ có nhiều biến động mạnh. Ai sẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những dòng biến đổi này? Theo phân tích của Nikkei Top Leader các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Để có thể sinh tồn và phát triển, những người làm kinh doanh cần phải dự đoán được một phần nào đó những gì có thể xảy ra, những biến động có thể có trong tương lai.

Bài hôm nay chúng ta cùng đi vào 5 góc nhìn để quan sát những biến động của kinh tế trong vòng 30 năm tới. Các góc nhìn và phân tích được dựa trên số liệu thống kê của OECD, của cơ quan chính phủ Nhật Bản, trung tâm nghiên cứu và phân tích tổng hợp Nomura và nhiều ngành kinh tế liên quan của Nhật Bản. Bài gốc hướng tới các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp Nhật Bản với những suy đoán thống kê cụ thể và các sự kiện các con số nằm trong chiến lược phát triển của Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên trong bài viết này VietFuji chỉ biên soạn những nội dung liên quan tới cách quan sát. Các bạn độc giả có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn có thể tìm đọc tại chương 1 trong tờ tạp chí “Nikkei Top Leader” số 1 năm 2014.

Điểm nhìn số 1: Tiến tới sử dụng trên quy mô nhỏ “BIG DATA”

Nhìn trong trung và trường kì, có thể chắc chắn một điều công nghệ thông tin (IT) sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Do vấn đề về chi phí và những điều luật liên quan tới việc sử dụng thông tin đặc biệt là pháp luật liên quan tới sử dụng thông tin cá nhân chưa theo kịp nên hiện tại gần như chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có “nhu cầu” và khả năng sử dụng Big Data. Tuy nhiên, nếu những vấn đề này được giải quyết thì ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể vươn tay tới.

Nếu có thể sử dụng Big Data, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đi sâu hơn và có thể đáp ứng những nhu cầu gần gũi hơn với khách hàng. Đối với Nhật Bản và những quốc gia có thị trường đang thu hẹp đây chính là chìa khóa cho sự sống còn của các doanh nghiệp. Để có được chiếc chìa khóa này cần có năng lực phân tích và đọc hiểu được giá trị của data. “Cùng một data, nhưng cũng có người nhận định nó đơn thuần chỉ là một giá trị bất thường, nhưng cũng có người nhìn ra được đây là một sự thay đổi, một hạt mầm mới, sự khác biệt trong cách nhìn khiến kết quả cũng sẽ có sự khác biệt to lớn” ông Muragami thuộc phòng nghiên cứu tổng hợp Mitsubishi chia sẻ.

Để phát huy được sức mạnh của data, cần tạo ra được mô hình kinh doanh kết hợp những điểm mạnh mà chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có đó là sự vận hành và thay đổi mau lẹ trong tổ chức và hoạt động kinh doanh. Tại Nhật, hiện tại bắt đầu xuất hiện những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, vận chuyển hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại nhà (dân số Nhật Bản đang ở giai đoạn già hóa), một nhà cung cấp tại Osaka đang tiến hành phát triển Family Network System. Để đi sâu vào nhu cầu khách hàng và có thể cung cấp những dịch vụ gần gũi hơn với khách hàng, công ty này tiến hành phân tích triệt để lịch sử mua hàng của khách hàng , dựa trên những kết quả phân tích sẽ đưa ra những chiến lược phát triển sản phẩm dành cho người cao tuổi và cung cấp dịch vụ vận chuyển tận nhà.

Thêm một ví dụ nữa, đó là ví dụ về dịch vụ in ấn của công ty Tsushin Hanbai tại Tokyo. Các công ty in ấn quy mô nhỏ sẽ liên kết với nhau tạo thành mạng liên kết, công ty Tsushin Hanbai sẽ là công ty quản lý mạng liên kết này và sẽ tạo ra trang để khách hàng có thể đặt hàng in ấn. Khi nhận được đơn hàng, các thông tin về số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng, thông tin về số máy in có thể sử dụng tại từng công ty trong mạng liên kết…Tsushin Hanbai sẽ phân phối công việc tới công ty thành viên phù hợp. Nhờ cách làm này, giá thành được cắt giảm và chất lượng in ấn được nâng cao và họ đang trở thành đối thủ cạnh tranh với nhiều công ty in ấn lớn. Nói như cách nhìn của người Việt Nam, công ty này đang sử dụng chiến lược kiến giết voi và vũ khí của đàn kiến này chính là sự linh hoạt của những công ty liên kết và sức mạnh của việc phân tích giá trị của những thông tin.

Điểm nhìn số 2: Công ty 10 nhân viên cũng có thể trở thành công ty đa quốc gia

Dân số Nhật Bản đang bước vào thời kỳ lão hóa. Ước tính năm 2015 dân số Nhật Bản là 126.59 triệu dân, tỷ lệ người già trên 65 tuổi chiếm 25.6%, năm 2020 là 124.10 triệu dân, tỷ lệ người trên 65 tuổi là 29.1%, năm 2030 là 116.62 triệu dân, người già trên 65 tuổi chiếm 31.6%, năm 2035 là 112.12 triệu, người già trên 65 tuổi chiếm 33.4%.

Japan Population
Sự biến động dân số Nhật Bản trong 20 năm tới

Dân số suy giảm, sự già hóa trong dân số đang là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Không chỉ vấn đề dân số, thị trường trong nước cũng đang bị thu hẹp trong khi đó thị trường nước ngoài đặc biệt tại khu vực châu Á sẽ bước vào thời kỳ thịnh vượng trong vòng 50 năm tới. Dự đoán năm 2021 dân số Ấn Độ sẽ đạt 1.4 tỷ, vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, trong khi dó năm 2030 GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành số 1 thế giới (Nhật Bản dự đoán sẽ ở vị trí thứ 4 sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ).

Có vẻ thời kỳ vàng son của Nhật đang dần đi vào dĩ vãng, các doanh nghiệp Nhật Bản phải tiến quân ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới. Đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc đầu tư ra nước ngoài hiện tại gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó chính là rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thông tin, kỹ thuật xử lý âm thanh, trong tương lai gần sẽ không khó để sở hữu chiếc máy thông dịch với độ chính xác được nâng cao theo trục thời gian. Rào cản ngôn ngữ dần được phá bỏ, những doanh nghiệp quy mô nhỏ thậm chí chỉ có 10 nhân viên cũng có thể trở thành doanh nghiệp đa quốc gia.

Nhìn lại sự dịch chuyển doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài, có thể thấy đặc điểm chung là sự “đi theo”. Những doanh nghiệp lớn như Toyota, Nissan, Honda, Yamaha đầu tư ra nước ngoài vào nên những công ty cung cấp phụ kiện cũng sẽ đi theo để tiếp tục cung ứng linh phụ kiện. Vậy nên khi có những công ty lớn xuất hiện chẳng bao lâu sau sẽ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ theo sau, khuynh hướng này có thể nhìn thấy từ Trung Quốc, Thái Lan và gần đây là Indonesia.

Trong tương lai không xa, khi các quốc gia Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là công xưởng mới của thế giới, khu vực này còn là nơi tập trung đông dân, là thị trường tiêu thụ của nhiều mặt hàng trong đó có cả những nhu cầu về dịch vụ chất lượng cao. Dịch vụ chất lượng cao là thế mạnh của quốc gia giàu truyền thống như Nhật Bản. Tuy chậm chân hơn so với ngành sản xuất nhưng tận dụng thế mạnh này, tương lai ngành dịch vụ của Nhật sẽ tiến quân sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Sự chuyển dịch này cũng không cần phải chờ tới 20 – 30 năm nữa, mà hiện tại nó đã bắt đầu có những khởi động rồi. Công ty điêu khắc công nghiệp chuyên cung cấp máy khắc chuyên dụng cho các sản phẩm kim loại (Tokyo – Sumida) mặc dù chỉ có 20 nhân viên nhưng hiện tại hoạt động kinh doanh chính được dồn hết vào công ty tại tỉnh Thâm Quyến – Trung Quốc. Thêm một ví dụ nữa đó là công ty dược phẩm BLENZ ASIA (Băng Cốc – Thái Lan) là công ty do Nhật Bản phát triển, tuy nhiên do cạnh tranh trong nước gặp nhiều khó khăn nên hiện tại gần như 100% hoạt động kinh doanh được dồn vào công ty bên Thái Lan.

Thời thế thay đổi, các doanh nghiệp có ít nhân viên nhưng do có những lợi thế về thương hiệu và khả năng tài chính sẽ không còn ngần ngại và gặp nhiều khó khăn đầu tư ra nước ngoài. Sự biến động đó ngày càng nhanh và mạnh dưới sự hỗ trợ của IT. Luồng gió mới có thể giúp các doanh nghiệp địa phương có sức đề kháng cao hơn trong sự cạnh tranh khốc liệt với những nhà đầu tư Nhật Bản nhưng cũng có thể là kẻ hủy diệt đối với những doanh nghiệp thiếu thực lực và không có sự thay đổi bản thân trong tương lai.


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn
Theo Nikkei Top Leader (chương 1)


 

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan