Trong cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhà sản xuất hiện nay thì giá cả, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm chính là những yếu tố hàng đầu quyết định thắng bại. Và trong cuộc đua khốc liệt này thường không có chỗ cho doanh nghiệp không hạn chế được lãng phí và số lượng sản phẩm lỗi. Có thể nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà chất lượng là yếu tố được đặt lên hàng đầu cùng với sự hài lòng của khách hàng, chính vì thế việc toàn doanh nghiệp chung tay và xây dựng một thể chế sản xuất 100% sản phẩm đạt yêu cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để làm được điều này việc thay đổi cách quản lý kết quả (quản lý sau khi đã hoàn thành công việc) và quản lý tiến độ (quản lý trong khi làm việc) thành quản lý nguyên nhân (quản lý trước khi bắt đầu công việc) là rất cần thiết. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách thay đổi “doanh nghiệp thất bại trong việc giảm thiểu sản phẩm lỗi” thành “ Doanh nghiệp sản xuất 100% sản phẩm đạt yêu cầu” bằng phương thức tập trung vào cách quản lý trước khi bắt đầu công việc.
Quản lý sau – trong – trước công việc và giảm thiểu sản phẩm lỗi
1. Quản lý sau công việc
Một người quản lý tối là người chỉ luôn bận tâm tới công tác quản lý sau khi kết thúc công việc. Người quản lý như thế này thường chỉ đưa những đối sách tạm thời hay bỏ mặc những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất thay vì đưa ra những kế sách lâu dài và thảo luận với người khác hay bộ phận khác để giải quyết vấn đề. Có nghĩa là có 2 vấn đề tại đây:
– Chưa tiến hành đầy đủ việc kaizen (cải thiện) trong từng công đoạn sản xuất
– Hoạt động kiểm tra kết quả chưa được tiến hành đầy đủ
Để giải quyết vấn đề này doanh nghiệp nên phân chia rõ ràng trách nhiệm của từng cá nhân (công nhân chính thức, công nhân bán thời gian, người quản lý, kỹ sư…) và tiến hành xử lý ngay khi phát sinh vấn đề trong quá trình sản xuất để tránh sự việc trở nên trầm trọng hơn hay hạn chế tăng số lượng sản phẩm lỗi.
2. Quản lý trong công việc
Đối với trường hợp chỉ quản lý trong công việc sẽ thường gặp 2 vấn đề sau:
– Sản xuất không đảm bảo chất lượng tại các công đoạn
– Hoạt động quản lý tại các công đoạn chưa đảm bảo
Để giải quyết vấn đề này, trọng tâm sẽ là những người thợ và quản lý trực tiếp tham gia sản xuất, ngoài ra cũng cần sự hỗ trợ và giúp sức của quản lý cấp cao hay những nhân viên tại các bộ phận khác.
Tuy nhiên, việc phát hiện ra vấn đề cũng không phải đơn giản. Phương pháp hữu hiệu thường được áp dụng nhất để tìm ra vấn đề là “ tự kiểm tra”. Việc kiểm tra sẽ không chỉ được tiến hành sau khi hoàn thành toàn bộ quá trình sản xuất mà phải được làm ngay tại cùng công đoạn. Tức là người quản lý cần phải:
– Trực tiếp đến hiện trường
– Trực tiếp nhìn sự vật, sự việc
– Nói và suy nghĩ dựa trên thực tế
để có thể đối phó được với những vấn đề nêu trên.
3. Quản lý trước công việc
Quản lý trước công việc có nghĩa là:
– Tự chủ trong việc quản lý
– Quản lý tận gốc
Và cần thiết phải chia nhỏ người quản lý và đối tượng quản lý. Trong giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm, thiết kế và chuẩn bị sản xuất thường hay phát sinh vấn đề không đảm bảo chất lượng trong từng giai đoạn. Chính vì vậy nhất thiết phải chia nhỏ sản phẩm, công đoạn hay công việc để thực hiện quản lý mà trọng tâm chính là những người quản lý tại các bộ phận phát triển sản phẩm, bộ phận kinh doanh và bộ phận kĩ thuật sản xuất. Những người quản lý này có trách nhiệm điều tra thị trường, điều tra bằng phiếu câu hỏi, quản lý chế tạo thử hay đưa ra trước những đối sách phòng chống xảy ra lỗi hay sự cố. Cách làm này được gọi là quản lý trước công việc.
Thực hiện: Bùi Linh
Theo bài giảng quản lý chất lượng của giáo sư Ken Nishina