Số báo trước chúng ta đã được nghe thầy Yokota giới thiệu qua về tình hình kinh tế Việt Nam nhìn từ góc độ sản xuất và chúng ta cũng biết được rằng khi ngành sản xuất ô tô ngày càng phát triển thì vị trí của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng. Bài hôm nay chúng ta cùng thầy Yokota đến với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để khám phá về tiềm năng phát triển sản xuất của khu vực này và cùng tìm hiểu tại sao thầy lại cho rẳng Việt Nam là một mỏ kim cương chưa được khai thác và mài giũa.
1. Việt Nam cũng giống như Nhật vào khoảng 20 – 30 năm trước
Hơn hai mươi năm trước, Nhật cũng giống như Việt Nam về khuynh hướng xin việc của giới trẻ. Người Nhật thường dùng 3K để miêu tả về công việc trong công xưởng đó là Kitsui (vất vả), Kitanai (bẩn), và Kiken (nguy hiểm). Vậy nên sau khi tốt nghiệp người Nhật cũng muốn xin việc trong những công ty thương mại, ngân hàng, hay làm những công việc quản lý, công việc văn phòng. Tuy nhiên vào thời điểm những năm 90, kinh tế Nhật đã được một đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong thời kỳ xây dựng công nghiệp sau chiến tranh thế giới thứ hai, do đó ngành sản xuất của Nhật Bản không bị tê liệt và vẫn giữ được vị trí dẫn đầu trên thế giới.
Tuy nhiên Việt Nam có điểm khác với Nhật, đó là Việt Nam rất ít những nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn thì nền tảng cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có lẽ nào sẽ mãi mãi không được xây dựng hay sao?
2. Bà Rịa Vũng Tàu – sự kỳ vọng của sản xuất Việt Nam
Hiện tại chính phủ Việt Nam cũng đã có những động thái hết sức đáng mừng cho ngành sản xuất trong nước, Việt Nam đã chỉ định Hải Phòng và Bà Rịa Vũng Tàu là hai đặc khu xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ dựa trên sự hỗ trợ của doanh nghiệp Nhật Bản. Điều này đã được đề cập trong bản ghi nhớ “Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng nền tảng xuất MOU”, được hai nước ký kết vào tháng 10 năm 2011.
Hiện tại Bà Rịa Vũng Tàu không phải là cái tên được nhiều doanh nghiệp Nhật biết tới, một phần vì tỉnh nằm cách xa Hồ Chí Minh, nhưng trong thời gian tới khi tuyến đường cao tốc được hoàn thành giao thông dẫn tới tỉnh cũng sẽ trở nên tiện lợi hơn. Đặc biệt, hiện tại sân bay quốc tế Long Thành đã được khởi công xây dựng từ tháng 1 năm 2013 từ nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản khi hoàn thành sẽ trở thành sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam, khoảng cách từ sân bay tới Bà Rịa Vũng Tàu chỉ khoảng 30 – 70Km nên việc điều phối hàng hóa sẽ trở nên thuận tiện hơn nhiều.
Ngoài giao thông, hiện tại trong tỉnh có bắt tay vào xây dựng những trường đào tạo nghề, chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sản xuất. Năm 1998 trường cao đẳng nghề Bà Rịa Vũng Tàu được ra đời, năm 2010 trường được công nhận là trường đào tạo nghề với khoảng 3000 học viên. Trường có chế độ đào tạo 3 năm về các lĩnh vực cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, văn hóa…Tập trung vào sản xuất và có phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp hiện tại, trường đã và đang cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bản thân thầy Yokota cũng sẽ kết hợp với trường để phát triển bộ môn khuôn đúc từ tháng 12 năm nay. Hiện tại thầy cũng đang biên soạn tài liệu và xây dựng kế hoạch giảng dạy, theo kế hoạch trường sẽ bắt đầu bộ môn này từ năm học 2015 – 2016. Là người Nhật nên thầy Yokota khá bất ngờ với những quyết định từ phía Việt Nam, đặc biệt về vấn đề thời gian từ khi lên ý tưởng cho một dự án đến khi bắt tay vào thực hiện dự án rất nhanh chóng, thầy nói vui “Việt Nam quyết là làm và bắt tay ngay vào công việc, có thể đây là một thế mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa”.
3. Chính những ngành KHÓ mới là ngành cần để mắt tới
Trong bài trước thầy Yokota đã đề cập về chính sách quản lý chặt chẽ đối với các vấn đề môi trường của Việt Nam đã trở thành chiếc dây thòng lọng bóp chẹt sự phát triển của ngành công nghiệp nền tảng. Tuy vậy không phải tất cả các doanh nghiệp đều đầu hàng, tại Bà Rịa Vũng Tàu có công ty mạ Phan Sinh đã có lịch sử phát triển hơn hai mươi năm. Trung bình hàng tuần các cơ quan chính phủ đều có những cuộc kiểm tra đối với doanh nghiệp tuy nhiên trong suốt thời gian hoạt động công ty vẫn đảm bảo được những tiêu chuẩn môi trường. “Nói đến công ty mạ, chúng ta thường nghĩ tới những thùng hóa chất, những chất độc hại, tuy nhiên khi bước chân vào xưởng, cảm giác 3K của tôi là hoàn toàn không có”, thầy Yokota chia sẻ.
Sau nhiều năm kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực KHÓ nhưng công ty đã khắc phục được khó khăn và hiện nay đã sở hữu được những công nghệ hiện đại trong công nghệ mạ khôn g điện phân với độ chính xác cao. Tương lai công ty hướng tới sẽ trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực mạ và từ đó có những bước tiến sang những lĩnh vực mới và trước mắt là trong lĩnh vực gia công kim loại. Nhìn từ ví dụ này có thể thấy chính những công việc KHÓ mới là những công việc cần để mắt tới và một khi đã vượt qua được thử thách ở công việc này thì những hứa hẹn cho sự phát triển trong những lĩnh vực liên quan là hoàn toàn có thể kỳ vọng được.
Ngoài Phan Sinh còn có một số doanh nghiệp Đài Loan (do vấn đề bảo mật thông tin nên không nêu tên tại đây) cũng đã thành công trong việc tạo dựng nền tảng cho ngành đúc. Nói tới đúc có thể ai cũng biết được sự nhọc nhằn trong công việc nhưng ở một khía cạnh khác thì đúc chính là nền tảng cho sản xuất hàng loạt và là nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp hóa.
4. Để tồn tại Việt Nam cần làm gì?
Kết hợp với bài báo cáo lần trước, thầy Yokota có tóm tắt lại một số điểm sau về Việt Nam
• Các doanh nghiệp sản xuất ô tô có những ưu tiên khác thay vì lựa chọn Việt Nam
• Giá nhân công tại Việt Nam từ giờ cũng sẽ tăng lên, ngành dệt may có khả năng sẽ không còn tồn tại được lâu dài, Việt Nam không thắng được Campuchia, Myanmar.
• Về phát triển kỹ thuật hiện đại, Việt Nam chưa đủ tiềm lực để thắng Hàn Quốc hay Nhật Bản.
• Về tài nguyên Việt Nam thua Indonesia
• Về thương mại dịch vụ Việt Nam không thắng được Singapore
Công nghiệp không thắng được vậy Việt Nam sẽ đánh trên mặt trận nông nghiệp? Không, vì hiện tại nông nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 2% trong GDP trong khi đó dân số nông nghiệp chiếm tới 70%. Vậy y học, hàng không vũ trụ thì sao, cũng càng khó vì sẽ cần quá nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư cho lĩnh vực sa xỉ này, mà giả sử có đầu tư thì Việt Nam cũng khó có thể thắng được Malaysia. Rõ ràng đương nào cũng đầy rẫy những khó khăn và thử thách.
Là người đã quan sát kinh tế Việt Nam trong suốt một khoảng thời gian dài, thầy Yokota có chia sẻ những ý kiến cá nhân về hướng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
a. Sản xuất dòng xe quốc nội mang thương hiệu Việt Nam.
Hiện tại khu vực Nam Á có thể nói là cứ điểm của các doanh nghiệp đến từ Nhật và Đức. Như đã trình bày ở trên, khả năng các nhà sản xuất lựa chọn Việt Nam làm điểm hạ cánh là rất thấp, vậy tại sao Việt Nam không tự xây dựng dòng xe quốc nội phù hợp với phong thổ và và văn hóa Việt Nam?
Các dòng xe đến từ Nhật hay Đức hiện tại không chỉ cao về giá không phù hợp với phần đông tầng lớp trung lưu, không những thế đặc điểm địa hình và giao thông Việt Nam cũng rất khó để những dòng xe này có thể chạy êm được. Ngược lại, nếu dòng xe giá rẻ đến từ những quốc gia láng giềng khác sẽ đi kèm với những vấn đề về chất lượng, về tuổi đời xe, đối với đặc tính coi trọng đồ vật như người Việt Nam thì những chiếc xe như thế này sẽ không còn là dòng xe phù hợp với người Việt Nam. Vậy xe như thế nào sẽ phù hợp với người Việt Nam? Thực tế không có dòng xe nào thực sự phù hợp với Việt Nam hiện nay.
Lào và Campuchia cũng có hoàn cảnh hoàn toàn tương tự với Việt Nam, vậy nếu Việt Nam có thể sản xuất được dòng xe nội địa thực sự phù hợp thì sẽ có thị trường lên tới 113 triệu dân, gấp đôi thị trường Thái hiện nay. Trong trường hợp này, Việt Nam không phải sản xuất xe với mục đích kiếm thật nhiều lợi nhuận mà là sản xuẩt để trở thành quốc gia có thể sản xuất xe ô tô. Không có quốc gia nào có thể có lãi hoặc thu được lợi nhuận ngay khi bắt tay vào lĩnh vực này. Nếu chỉ nhìn và so sánh giá và chất lượng, Việt Nam sẽ mãi chỉ là quốc gia đi mua xe của nước ngoài mà thôi, giả sử có lỗ thì số tiền đó là số tiền đầu tư cho nền tảng của công nghiệp Việt Nam.
Để sản xuất mỗi chiếc xe cần 20.000 tới 30.000 chi tiết, do đó dù là dòng xe trong nước hay dòng xe nước ngoài thì việc sản xuất những linh phụ kiện là cần thiết. Nếu có thể trang bị kỹ thuật sản xuất linh phụ kiện trong nước, Việt Nam sẽ có ưu thế về giá nhân công so với Thái và Indonesia, và tất nhiên khi đó Việt Nam hoàn toàn có thể xuất linh kiện sang những quốc gia này. Tôi đã nghe rất nhiều những ý kiến của cả người Việt Nam và người nước ngoài nói rằng rất khó để sản xuất linh kiện ô tô, nhưng một khi Việt Nam có được dòng xe nội địa thì những khó khăn đó tự nhiên sẽ được giải quyết.
Cũng rất may vì hiện nay ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang dần trở nên phổ biến, bởi vậy nếu gặp khó khăn về mặt kỹ thuật Việt Nam có thể lựa chọn phương án nhập linh kiện từ nước ngoài, sau đó dần cải thiện và nội địa hóa. Nếu thực sự nỗ lực giấc mơ “xe ô tô Việt Nam” tôi tin rằng không phải là không thể.
b. Sản xuất xe máy xuất khẩu
Việt Nam đã có được những know-how để sản xuất xe hai bánh. Việt Nam nổi tiếng là quốc gia của xe hai bánh, nhưng thị trường nội địa cũng đang dần chạm đỉnh do vậy cũng không thể đặt kì vọng quá lớn vào sự tăng mạnh về thị trường trong nước. Vậy tại sao Việt Nam không xây dựng thương hiệu cho dòng xe hai bánh và hướng tới thị trường nước ngoài? Nếu nhìn vào kinh tế của Lào, Campuchia, hay các nước đang phát triển khu vực châu Phi, châu Mỹ La Tinh hoàn toàn có thể hi vọng vào sự nổ rộ của thị trường xe hai bánh. Sự gần gũi về mặt địa lý và quan hệ với các nước láng giềng có thể là ưu thế của Việt Nam khi xuất xe sang Lào và Campuchia.
Với những tiềm năng dồi dào về năng lượng điện như Lào, Việt Nam có thể tập trung vào các dòng xe điện để khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
5. Việt Nam là mỏ kim cương cần được mài giũa
Việt Nam hiện nay đang bắt đầu bước sang giai đoạn chuyển mình mới. Trong bài trước thầy Yokota có nói Việt Nam đang ở thời kỳ hỗn độn nếu nhìn từ góc độ sản xuất. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác có thể thấy được Việt Nam là mỏ kim cương chưa được mài giũa.
Việt Nam có dân số trẻ, có nguồn nhân lực dồi dào, có vị trí chiến lược nguồn tài nguyên phong phú. Từ những gì trải qua trong chiến tranh, Việt Nam yêu hòa bình hơn tất cả vậy nên Việt Nam được biết đến là quốc gia có sự ổn định về chính trị ít có những xung đột tôn giáo. Tuy vậy những ưu thế này của Việt Nam nếu nhìn từ bên ngoài có thể thấy nó vẫn chưa được mài giũa và vẫn còn giữ nguyên hiện trạng của một mỏ kim cương chưa được khai thác. Từ giờ về sau, nếu được design một cách ưu việt, được gia công một cách chiến lược thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành hòn ngọc của Đông Nam Á. Tại đây thầy Yokota tin tưởng và khẳng định rằng quốc gia có thể chỉ đạo gia công và mài giũa hòn ngọc ấy chính là Nhật Bản. Phía Việt Nam cũng nhận thức được điều này và những hiệp định của hai quốc gia sẽ trở thành chìa khóa để phát triển nền sản xuất của hai quốc gia.
Biên tập: Nguyễn Sinh Côn
Theo bản báo cáo về Việt Nam của thầy Yokota – Nikkei Monozukuri số tháng 6/2014