Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Washington đã tạo ra một loại vaccine với tiềm năng sản xuất rẻ và nhanh hơn các vaccine thông thường với các hạt nano. Những thử nghiệm trên chuột đã cho thấy triển vọng nhất định của công nghệ này khi ứng dụng trên con người.
Một vaccine, về cơ bản là một chế phẩm sinh học chứa các phần tử tương ứng với loại bệnh, dịch mà cơ thể cần phải phòng ngừa. Vaccine có chức năng giúp cơ thể nhận biết trước các tác nhân có hại và khởi động hệ miễn dịch xử lý chúng một cách hiệu quả trước khi bệnh phát sinh. Những thông tin về tác nhân này sẽ được lưu trữ trong cơ thể và hình thành phản ứng miễn dịch nếu gặp phải loại bênh tương tự trong tương lai. Với hệ thống phân phối hiện nay, một vaccine thường được tạo ra với số lượng lớn tại một cơ sở sản xuất ở rất xa nơi xuất hiện lây nhiễm. Quá trình vận chuyển số lượng lớn vaccine này cũng vô cùng tốn kém, bởi vaccine thường có tuổi thọ rất ngắn, và cần phải được bảo quản trong môi trường lạnh liên tục. Kể cả bỏ qua chi phí “khủng” của việc vận chuyển, nhờ sự phát triển của các ngành du lịch tốc độ cao đang làm cho thế giới dần nhỏ lại, thì hệ thống phân phối hiện tại cũng không thể cung cấp đủ số lượng tương ứng với sự phát triển dân số của địa cầu. Nhiều khu vực bị lây nhiễm đã sớm thành vùng đất chết trước khi vaccine đến nơi.
Một nghiên cứu, được hỗ trợ từ Quỹ Grand Challeges Exploration (tạm dịch- Khám Phá Các Thách Thức Vĩ Đại) từ tổ chức Bill& Melinda Gates và Viện National Institutes of Health (Viện Y Tế Quốc Gia), sẽ mang lại hy vọng cách mạng hóa hệ thống hiện tại bằng việc tạo ra các vaccine cứu người ngay tại chỗ. Vaccine này hoạt động bằng cách tiêm các hạt nano được tạo bởi protein kỹ thuật (engineered protein) được thiết kế để mô phỏng bệnh, lây nhiễm. Các protein này sau đó sẽ liên kết với calcium phosphate (hợp chất vô cơ có thể tìm thấy trong răng và xương). Những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với chuột bị mắc bệnh cho thấy, sau khi tiêm vaccine tám tháng, lượng tế bào phòng hộ T-cells trong cơ thể chúng cao hơn ba lần so với những con chuột chỉ tiêm bằng protein thông thường. Các hạt nano sẽ vận chuyển các protein mô phỏng bệnh đến vác hạch bạch huyết (lymph nodes) và tương tác với các tế bào hình gai (dendritic cell)-một loại tế bào miễn dịch, có rất ít ở da và cơ bắp, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.
“Chúng tôi cảm thấy rất phấn khích với công nghệ này, nhờ nó mà chúng ta có thể sản xuất vaccine ngay tại nơi cần sử dụng,” Ông François Baneyx, một giáo sư ngành kỹ thuật hóa học cho biết. “Ví dụ, khi một bác sĩ tại hiện trường phát hiện dấu hiệu của bệnh dịch, ông ta có thể làm ra các liều vaccine ngay lập tức, và tiêm chủng cho dân cư trong toàn khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.”
Với khả năng sản xuất ngay tại chỗ, các vaccine sử dụng hạt nano có tiềm năng cứu sống hàng triệu sinh mạng tại các nước đang phát triển, đặc biệt là trường hợp khẩn cấp và thiếu thốn nguyên liệu. Đương nhiên, công nghệ này cũng sẽ giảm bớt chi phí vận chuyển do yêu cầu giữ lạnh sẽ được hạ xuống. Thêm vào đó, các vaccine có thể được sản xuất với dụng cụ đơn giản với số lượng chính xác hơn. Theo Baneyx, với công nghệ này, các vaccine sẽ có thể sản xuất và cung cấp thông qua các băng cứu thương. Và một ngày nào đó, không chừng những nhu cầu cấp thiết về sử dụng các nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp hay sử dụng kim tiêm chủng số lượng lớn cũng sẽ được giảm tải. Tất nhiên, dù nghe rất hứa hẹn như vậy, nhưng hãy chú ý là công nghệ này vẫn chưa được thử nghiệm trên người nên ứng dụng của nó sẽ không có ngay ngày mai đâu.
Nghiên cứu này đã được công bố trên phiên bản online của tạp chí Nanomedicine.
Trungmaster, theo Gizmag
Link công bố: