Cuộc chiến máy tính

Từ giữa những năm 1960 cho tới đầu những năm 1970, nền công nghiệp sản xuất máy tính của Nhật Bản đón chào thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất, tạo tiền đề cho nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản. Trong thời kỳ này, số công ty tham gia vào thị trường phát triển và sản xuất máy tính lên tới 50 công ty. Vì sự cạnh tranh khốc liệt trong thời kỳ này giữa các công ty, người ta còn ví von thời kỳ này với một cuộc chiến tranh “Chiến tranh máy tính”.

1. Máy tính thời kỳ sơ khai

Vào năm 1964, các mẫu máy tính lần lượt được các công ty như Canon, Hayakawa Denki (hiện tại là Sharp), Ooi Denki đưa ra thị trường. Ngoài mẫu Alef Zero 101 của Ooi Denki sử dụng parametron, còn 2 mẫu khác là Conpet CS 10A của Hayakawa Denki và Canora của Canon đều là những chiến máy tính đầu tiên sử dụng transistor.

Tuy nhiên, toàn bộ chúng đều có đặc điểm là kích cỡ lớn (trên dưới 40 cm cho các chiều), nặng tới 20 kg và giá thành thì cao tới 40 cho tới 80 vạn yên. Mà thời kỳ đó lương cơ bản của một người đã tốt nghiệp Đại học chỉ là 21500 yên, tức nếu tính theo thời điểm hiện tại, mức giá đó tương đương từ 800 triệu cho tới 1,6 tỷ vnd.

2. Sử dụng IC (mạch tích hợp)

Khi Canon và Hayakawa Denki đưa ra những chiếc máy tính sử dụng transistor đầu tiên, những chiếc máy tính này đã ngay lập tức chiếm được cảm tình của khách hàng và mở rộng thị trường, điều này bắt buộc Casio tại thời điểm đó phải chuyển từ việc sản xuất máy tính sử dụng nam châm dạng Relay sang sản xuất mẫu máy Casio 001 đầu tiên sử dụng transistor. Và các hãng khác cũng nhanh chóng tham gia thị trường còn mới mẻ này.

(Lưu ý: Các transistor đời đầu đều sử dụng Ge chứ không sử dụng Silicon như hiện tại).

Để làm máy tính nhỏ hơn, giá thành thấp hơn thì các nhà sản xuất bắt buộc phải giảm đi số lượng các bộ phận tạo nên máy tính. Với suy nghĩ đó, Hayakawa Denki lần đầu tiên đã sản xuất ra chiếc máy tính CS 31 A sử dụng 28 chiếc IC đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, chiếc máy này vẫn sử dụng đến 553 chiếc transistor vào năm 1966.

Cũng là Hayakawa Denki, vào năm 1969, với sự hợp tác của công ty Rockwell (Mỹ) đã phát triển chiếc máy QT 8D sử dụng mạch LSI (mạch tích hợp cỡ lớn Large Scale Intergration) sử dụng 4 mạch LSI được tích hợp các chức năng khác nhau của máy tính.
Vào năm 1971, hãng Busicon (đã phá sản) lẫn đầu tiên bán ra mẫu LE 120 sử dụng 1 chip LSI duy nhất được phát triển cùng hãng Mostech (Mỹ).

Bằng việc so sánh giá cả và kích cỡ với các dòng máy ở trên, bạn có thể thay nhờ mạch tích hợp (IC), LSI mà máy tính đã trở nên nhỏ gọn và giá cả đã thấp đi hơn rất nhiều. Có nhiều loại máy mà giá đã tới mức chỉ còn chừng 10 vạn yên /máy. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức lương cơ bản dành cho người đã tốt nghiệp đại học là 4 vạn 6400 yên thời bấy giờ (năm 1971) thì mức giá này vẫn còn quá cao.

3. Sự ra đời của bộ vi xử lý 

Hãng Busicom không chỉ là hãng sản xuất ra loại máy sử dụng one-chip duy nhất hiệu LE120 trên thế giới mà còn là hãng đi dầu trong việc sản xuất các loại máy tính có bộ nhớ như Busicom 161. Có thể nói Busicom là một hãng nhỏ nhưng là một công ty độc nhất vô nhị trong làng sản xuất máy tính Nhật Bản.

Đương thời, giám đốc Koshima Yoshio của Busicom ngay từ thời điểm đó đã có suy nghĩ rằng “Đối với mỗi chức năng riêng khác nhau ta không thể cứ thiết kế một mẫu máy riêng cho mỗi chức năng mãi được mà có thể hay không “ghi” những chức năng đó vào trong ROM của máy, và bằng viếc thay đổi ROM mà một chiếc máy có thể làm được nhiều chức năng khác nhau ?”

Điều này cũng xuất phát từ thực thế công ty Busicom chỉ là một công ty nhỏ nếu so sánh với các công ty như Canon hay Hayakawa Denki, Mitsubishi vốn được nhà nước bảo trợ. Việc thiết kế một phần cứng mới dành cho một mẫu máy mới đối với những công ty nhỏ như Busicom là vô cùng tốn kém và rất khó khăn.

Bởi vì các công ty chế tạo bán dẫn Nhật Bản thời bấy giờ không chịu tiếp nhận công việc sản xuất các mẫu LSI dành cho máy tính nên vào năm 1970, BUSICOM đã ký kết hợp đồng độc quyền với Intel để phát triển và sản xuất LSI dành cho máy tính. Đường thời, Intel là công ty còn rất non trẻ, mới chỉ được 1 năm tuổi do Robert Noyce thành lập vào năm 1969 để chế tạo các memory bán dẫn. Và do mới thành lập nên việc kinh doanh của Intel chưa đi vào quỹ đạo, và điều này đã khiến họ chấp nhận việc ký hợp đồng với BUSICOM – vốn cũng chỉ là một công ty nhỏ của Nhật Bản. Nhưng chính hợp đồng này sau này đã tạo một cuộc cách mạng vô cùng to lớn, tạo tiền đề cho xã hội thông tin hiện tại. Có một thực tế là, tại thời điểm ký kết hợp đồng, cả hai bên đều chưa ý thức được tầm quan trọng của mạch LSI mà họ sẽ phát triển này.

Dựa trên ý tưởng của BUSICOM, Marcian E. “Ted” Hoff  (Intel) đã nghĩ ra bộ vi xử lý 4 bit đầu tiên, người vẽ mạch logic dành cho thiết bị này là  Shima Masatoshi được cử đến từ BUSICOM, và Federico Faggin là người chịu trách nhiệm thiết kế mạch điện. Bằng sức sáng tạo của 3 người, bộ vi xử lý đầu tiên là Intel 4004 đã ra đời vào tháng 3 năm 1971.

Và vào tháng 10 cùng năm, chiếc máy tính có máy in kèm theo sử dụng Intel 4004 mang mã hiệu 141 – PF đã được BUSICOM đưa ra thị trường với mức giá 159.800 yên.

BUSICOM và Intel đã ký kết hợp đồng độc quyền Intel 4004, và BUSICOM đã trả phí nghiên cứu và phát triển cho Intel là 100.000 dollar. Tuy nhiên, Intel lúc này không muốn Intel 4004 chỉ được sử dụng cho máy tính nữa mà muốn mở rộng phạm vi sử dụng bộ vi xử lý này nên đã tiếp xúc và bàn bạc với BUSICOM bằng cách giảm giá nghiên cứu và sản xuất, trả lại toàn bộ kinh phí phát triển Intel 4004 để nhận lại quyền bán Intel 4004 ra bên ngoài.

BUSICOM tuy là công ty đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bộ vi xử lý đầu tiên của thế giới nhưng vì thị trường chỉ bó hẹp trong máy tính, nên khi chịu cơn shock dầu mỏ vào năm 1974, đồng yen tăng giá đã phá sản. Nếu BUSICOM năng động hơn, mở rộng thị trường hơn thì có lẽ, người thống trị thị trường máy tính thế giới hiện tại không phải là Intel mà sẽ là BUSICOM. Có thể nói đây là sự bất hạnh cho nền công nghiệp bán dẫn Nhật Bản. Nhưng lại là sự may mắn với nền công nghệ thông tin thế giới hiện tại.

4. Hồi kết của cuộc chiến máy tính

Chiếc máy tính trang bị vi xử lý Intel 4004 mang hiệu 141 PF có mức giá cao là gần 16 vạn yên, gấp 4 lần giá trung bình của một chiếc máy tính thông dụng thời bấy giờ là chừng 4 vạn yên. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức lương của một nhân vien thời bấy giờ là 46400 yên thì có thể nói, máy tính vẫn chỉ là sản phẩm dùng cho văn phòng.

Công ty có suy nghĩ mang máy tính tới cho người dùng cuối chính là Casio. Để làm được điều đó, mức giá của máy tính phải thấp xuống chỉ còn 1 vạn yên. Và chiếc máy tính Casio Mini đã ra đời sử dụng 1 chip duy nhất và có thể tính các phép tính cơ bản lên tới 6 con số đã ra đời để thực hiện mức giá đó. Tuy nhiên, mức giá khi bán ra là 12800 yên, vẫn cao hơn 10000 yên một chút nhưng đã chỉ còn 1/3 so với các máy tính cho tới thời điểm bấy giờ Casio Mini đã tạo ra một làn sóng tiêu thụ máy cá nhân lớn và tạo ra cơn shock đối với các hãng sản xuất khác.

Mặt khác, Sharp đã chọn một con đường khác đó là chế tạo các máy tính mỏng và nhỏ. Các máy tính thời bấy giờ đều sử dụng các đèn huỳnh quang hoặc đèn LED nên có kích cỡ lớn và mức tiêu thụ điện năng rất cao.
Sharp là công ty đầu tiên chú ý tới việc sử dụng màn hình tinh thể lỏng cho máy tính. Tuy với công nghệ thời điểm đó, việc này được cho là vô cùng khó khăn nhưng Sharp đã làm được với mẫu máy eL 805.
Tuy giá thành của máy vẫn còn rất cao nhưng chiếc máy có thể chạy liên tục 100 giờ chỉ với 1 cục pin là điều đã thu hút khách hàng.
Việc chạy đua trong việc giảm giá thành, kích cỡ máy tính còn tiếp tục khốc liệt cho tới tận cuối những năm 1970, và cho tới năm 1978, Casio lẫn đầu tiên bán ra chiếc máy tính có kích cỡ chỉ bằng 1 tấm danh thiếp với độ dày chỉ 3.9 mm.

Ban đầu có tới 50 công ty tham gia vào thị trường sản xuất máy tính nhưng cuối cùng chỉ còn  2 công ty tồn tại đó là Sharp và Casio. Đây cũng là hồi kết của cuộc chiến tranh máy tính.

Có thể nói, chính cuộc chiến tranh máy tính này đã tạo ra sự ảnh hưởng vô cùng lớn đối với lịch sử phát triển khoa học công nghệ của nhân loại.

Video :

[youtube link=”http://www.youtube.com/watch?v=BXEbDXHiWI0″ width=”590″ height=”315″]

Nguyễn Xuân Truyền lược dịch

Tham khảo: http://www.infonet.co.jp/ueyama/ip/history/calculator.html

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan