Một vaccine đầy hứa hẹn dành cho căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mới đấy đã cho thấy khả năng triệt tiêu hoàn tòan virus gây suy giảm miễn dịch (SIV), một hình thái của HIV- dẫn đến bệnh AIDS ở khỉ. Được phát triển tại Viện Liệu Pháp Gene và Vaccine tại Đại Học Khoa Học và Sức Khỏe Oregon (Oregon Health and Science University, gọi tắt OHSU), vaccine này được chứng mình hiệu quả với khoảng 50% đối tượng thí nghiệm. Và có thể mở ra một hệ thống vaccine ở người để ngăn ngừa sự xuất hiện của HIV/AIDS và thậm chí chữa trị cho các bệnh nhân hiện đang phải dùng thuốc kháng virus (anti-retroviral drugs).
Thuốc kháng virus và vaccine HIV đều nhắm đến việc nâng cao phản ứng miễn dịch trong thời gian dài, thế nhưng chúng không thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể. Trên thực tế, trừ một số trường hợp ngoại lệ, thì các nhà nghiên cứu trong một thời gian dài đã tin rằng HIV/AIDS chỉ có thể bị kiềm hãm chứ không thể trị dứt hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu của OHSU, dẫn đầu bởi Tiến Sĩ Louis Picker đã tiến hành nghiên cứu vaccine của họ trong 10 năm, nhằm chứng minh rằng phản ứng miễn dịch hoàn toàn có thể quét sạch virus một cách có hệ thống, ra khỏi cơ thể.
Cũng như phần lớn các ứng viên vaccine trước đó, nghiên cứu của Louis Picker xoay quanh một virus rất phổ biến với tên gọi SIV. SIV được đánh giá là loại virus còn hung hãn hơn cả HIV, với khả năng phân chia nhanh hơn đến 100 lần và nếu không được kiểm tra điều trị, nó có thể gây bệnh AIDS chỉ trong vòng 2 năm (với HIV thông thường là trong vòng 10 năm). Khi được tiến hành điều trị thử nghiệm với vaccine của nhóm nghiên cứu, một nửa số khỉ đã cho thấy các dấu hiệu nhiễm bệnh trong thời gian đầu. Thế nhưng những dấu hiệu đó có xu hướng giảm dần cho đến khi biến mất hoàn toàn. Nói một cách khác, khi virus thâm nhập vào cơ thể, nó sẽ bắt đầu lây nhiễm một số tế bào, và di chuyển đến một vài bộ phận trong cơ thể. Thế nhưng sau đó nó dần bị xóa sổ và chỉ 2 đến 3 năm sau, những con khỉ lại trở lại trạng thái bình thường. Không một dấu hiệu nào của virus SIV được tìm thấy dù là dưới các hình thức kiểm nghiệm khắt khe nhất.
Các nhà khoa học tại OHSU đã tạo ra vaccine bằng cách sử dụng cytomegalovirus (CMV), một loại virus có tính dai dẳng nhưng lại không gây bệnh (trên thưc tế, gần một nửa dân số Mỹ và 99% dân số của các nước đang phát triển mang trong mình loại virus này). Nhờ vậy, vaccine sẽ tạo ra một phản ứng miễn dịch, gần giống với phản ứng miễn dịch bình thường của CMV, có tính liên tục và kéo dài. Những tế bào phản ứng nhớ –T (“effector memory” T-cells) sẽ được tạo ra và duy trì trong hệ thống để tìm kiếm và triệt hạ đối tượng. Các tế bào này sẽ liên tục tiêu diệt các tế bào bị nhiễm SIV cho đến khi virus này bị loại trừ hoàn toàn khỏi cơ thể mới thôi.
Các loại vaccine khác khi tạo ra phản ứng miễn dịch thường chỉ được một thời gian ngắn. Còn với tế bào T, nhờ có sự tồn tại gần như là vĩnh cửu, chúng sẽ duy trì các phản ứng miễn dịch và truy đuổi virus đến cùng. Theo Tiến Sĩ Picker, từ trước đến nay chưa từng có một hình mẫu vaccine nào có hiệu quả đến vậy. Loại vaccine này có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc sử dụng cho các cá thể đã bị nhiễm bệnh và đang phải duy trì liệu pháp kháng virus. Với khả năng tiêu diệt triệt để, những người bệnh sẽ không bị phụ thuộc vào các loại dược phẩm khác nữa.
Hiện nhóm nghiên cứu vẫn có gắng để tìm hiểu lý do tại sao một số động vật khi được thử nghiệm lại không có những biểu hiện tích cực. Nếu những lý do này được sáng tỏ thì nhiều khả năng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của vaccine khi sử dụng ở người.
Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Nature. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể theo dõi đoạn phỏng vẫn với Tiến Sĩ Picker dưới đây:
youtube
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag