Làm thế nào để có một bài thuyết trình khoa học ngắn gọn và dễ hiểu

Một bài Present (thuyết trình) ngắn gọn và dễ hiểu đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt thông tin giữa người phát biểu và những người nghe. Các học sinh và sinh viên đều cần dùng những bài thuyết trình sử dụng power point để thuyết minh về những kết quả mà mình đã đạt được trong quá trình nghiên cứu khoa học. Hôm nay tôi xin được chia sẻ một số tâm đắc của tôi trong việc tạo một bài thuyết trình khoa học.

1. Phải nhận thức lại việc tại sao bạn lại thuyết trình ?

pres-matters1
Nguồn: alaeddineazaiez.wordpress.com

 

Mục đích của bài thuyết trình của bạn là để làm gì ? Chỉ để có cớ để kiếm tấm bằng Đại học, Thạc Sỹ ? Nếu bạn có suy nghĩ như vậy thì chất lượng bài thuyết trình của bạn tôi đã đoán được ngày từ đầu. Chắc hẳn sẽ là vô cùng tệ hại. Mục đích của bài thuyết trình, đó là để thay đổi suy nghĩ, hành động của người nghe. Nó không phải là nơi để bạn liệt kê những gì bạn đã làm. Chúng ta phải để lại ấn tượng cho người nghe về bài thuyết trình của mình. Và đó cũng là cơ hội để người nghe đọc bài luận văn của chúng ta.

2. Yêu cầu của một bài thuyết trình ngắn gọn và dễ hiểu là gì ?

Một bài thuyết trình ngắn gọn thường chỉ diễn ra từ 5~8 phút. Bài thuyết trình tốt nghiệp đại học của tôi cũng chỉ có 8 phút. 8 phút để bạn trình bày những công việc, thành quả bạn đã làm trong 1 năm học ư ? Vậy phải làm thế nào ?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người thuyết trình. Người thuyết trình trước tiên cần nắm rõ điều mình muốn truyền đạt cho người nghe. Tiếp theo, anh ta phải vận dụng những kỹ thuật của bản thân để truyền đạt nhiều thông tin nhất trong một hình thức ngắn gọn nhất. Người nghe sẽ chăm chú đọc từng câu chữ tràng giang đại hải cả màn hình của bạn ư ? Không đâu. Để giúp người nghe hiểu rõ nhất, bạn cũng cần phải nắm vững trình độ của người nghe, lựa chọn câu từ dùng phù hợp nhất.

3. Phần giới thiệu

Phần mở đầu bao giờ cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong một bài thuyết trình. Nếu làm không tốt, sẽ không ai hiểu tại sao bạn lại tiến hành nghiên cứu này ? Vì vậy, bạn phải làm phần này thật cẩn thận, giúp người nghe hiểu được tình trạng hiện tại, giới thiệu những công việc có nội dung tương đương và giới thiệu những công việc bạn đã làm một cách chính xác. Chỉ khi bạn làm được điều này, người nghe mới bắt đầu có hứng thú với điều bạn muốn nói.

4. Kết quả, kết luận

Phần kết luận có ý nghĩa đặc biệt, vì phần lớn người nghe có thể chỉ quan tâm nhiều nhất tới phần này. Vì vậy, kết luận phải ngắn gọn và cô đọng. Để làm được điều này, bạn chỉ cần thuyết minh xung quanh kết quả liên quan trực tiếp tới điều bạn muốn kết luận. Không cần những dữ liệu quá chi tiết trong phần này. Việc sử dụng những biểu đồ là cách thức trực quan nhất giúp người đọc dễ hiểu. Hãy tận dụng chúng một cách tốt nhất có thể. Cố gắng không sử dụng bảng số (Table) và quan trọng nhất, không làm giả kết quả.

5. Thankyou for your attention

jsda.org
Nguồn: jsda.org

Phần này có rất nhiều người nói trong một bài thuyết trình. Nhưng thực ra, việc truyền tải sự cảm ơn đối với người nghe chỉ cần nói miệng là đủ, thêm một slide với lượng thông tin là 0 trong một bài phát biểu khoa học là một việc làm vô ích. Thay vào đó, hãy chuẩn bị những phần nội dung phát biểu một cách thật chuyên nghiệp.


Người viết bài: Nguyễn Xuân Truyền


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments