Hiện nay Đông Nam Á là một trong những khu vực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới, đóng góp xứng đáng vào “sự thần kì châu Á”. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do sự thiếu hụt nguồn năng lượng điện đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của các nước này.Trước tình hình đó, các nước Đông Nam Á đang hướng tới bản kế hoạch cung ứng điện chung cho toàn khu vực. Bản kế hoạch có tên mạng lưới năng lượng Đông Nam Á (ASEAN Power Grid- APG), dự kiến sẽ hoà vào mạng lưới cung ứng điện cho toàn khu vực vào năm 2020.
Mục đích của kế hoạch này nhằm hướng tới việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả phân phối và sử dụng điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực có nền kinh tế được xem là phát triển năng động nhất trong tương lai. Tổng số tiền đầu tư cho kế hoạch này lên tới 80.000 tỷ đồng, theo sau đó sẽ là rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Vào tháng 6 năm nay công ty điện lực Sarawaku của Malaysia và công ty cung ứng điện PLN của Indonesia đã ký hợp đồng mua bán điện giữa hai quốc gia. Phía Indonesia đã chính thức khởi công xây dựng đường dây dẫn với sự giúp sức từ hai nhà thầu Mistsubishi của Nhật và công ty quốc tế KEC của Ấn Độ.
Tổng chi phí thi công dự tính vượt ngưỡng 160 triệu đô. Mục tiêu của nhà thầu sẽ hoàn thành hệ thống điện vào năm 2015 với tổng chiều dài 120 km. Sau khi hệ thống được hoàn thành, Malaysia sẽ bán lượng điện dư từ nhà máy thủy điện Bakun với công suất 2400 MW cho Indonesia. Tất nhiên, phía Indonesia cũng sẽ có những giải pháp cho vấn đề thiếu năng lượng như hiện nay.
Bản kế hoạch APG tạo ra điểm nhấn trong “Tầm nhìn Đông Nam Á 2020” của các nhà lãnh đạo khu vực được xây dựng năm 1997. Việc xây dựng mạng lưới cung ứng điện cho toàn khu vực sẽ mang lại hai hiệu quả lớn như sau:
1. Dễ dàng phân phối, vận chuyển điện năng từ những nhà máy phát điện giá rẻ tới những khu vực có nhu cầu lớn về tiêu thụ điện năng.
2. Trong những trường hợp chịu ảnh hưởng của thiên tai hay xảy ra những vấn đề về an ninh năng lượng, các quốc gia có thể có phương sách điều chỉnh nhanh chóng, linh hoạt.
Tổng lượng điện ASEAN cung ứng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Năm 2010 là 600 000MW, năm 2020 tăng lên 1 300 000 MW và năm 2030 tổng sản lượng điện sản xuất dự kiến sẽ lên mức 2 400 000 MW.
Hiện tại, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Lào, Thái Lan…) đang đi đầu trong việc xây dựng hệ thống mạng cung ứng điện, đặc biệt Lào với đặc thù địa hình nhiều đồi núi sẽ là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc xây dựng các đập thủy điện.
Sau Thái Lan, quốc gia đi đầu trong việc phát triển sản xuất và tiêu dùng, Việt Nam cũng đang tranh thủ cơ hội quý báu này để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng hệ thống cung ứng điện xuyên quốc gia ngoài việc xây dựng trên mặt đất theo truyền thống còn có những bản kế hoạch xây dựng hệ thống đường dẫn ngầm xuyên biển. Do đó bản kế hoạch APG sẽ tập trung rất mạnh về khoa học kỹ thuật kéo theo đó là sự đầu tư của các quốc gia trong việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý cung ứng điện trong tương lai tại Đông Nam Á.
Người viết bài: Nguyễn Sinh Côn
Nguồn: 日経新聞 13/8/2013