Một trận động đất siêu cường vào tháng 3/2011 kéo theo một trận sóng thần cao đến 38,9 m đã trở thành một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử nước Nhật và Thế Giới. Ngoài những thiệt hại về người và của trên một phạm vi rộng nói chung, trận động đất đã làm tê liệt các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, trong đó có Fukushima Daiichi, Daini và Onagawa. Một loạt những phản ứng bất thường xảy ra trong các nhà máy này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, và làm dấy lên sự bất an về an toàn năng lượng hạt nhân. Hàng ngàn người Nhật phải di tản khỏi khu vực gần nhà máy và nhiều người nước ngoài phải lên máy bay về nước trong tình trạng lo sợ thảm họa này sẽ là một Chenobyl thứ hai và lan ra toàn thế giới. Rất may điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên, thảm họa đáng buồn này lại là cơ hội hiếm có để các công ty công nghệ hàng đầu thế giới (gồm có cả Nhật Bản) thử nghiệm những Robot xử lý sự cố tốt nhất của mình trên thực địa. Bởi với một khu vực đang bị nhiễm phóng xạ nặng nề (con người không thể tiếp cận) thì việc sử dụng các Robot điều khiển từ xa và có khả năng miễn nhiễm phóng xạ, đa tác vụ để do thám và “làm sạch” là một yêu cầu rất cấp thiết (Bạn hãy yên tâm là đoạn này sẽ còn được lặp lại rất nhiều lần).
Trong loạt bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến quý vị và các bạn một số robot hay trang phục robot được sử dụng tại Fukushima Daiichi (có thể chưa phải là tất cả). Mục đích của chúng tôi không phải để đánh giá xem robot nào tốt nhất, mà chúng tôi muốn các bạn nghĩ về 3 điểm sau:
– Sự đa dạng trong mẫu mã các loại Robot thăm dò tại Fukushima Daiichi
– Sự khác biệt về tư duy của Robot kiểu Nhật và kiểu phương Tây
– Nhìn về các thảm họa ở Việt Nam
Hình ảnh các Robot tại Fukushima DaiichiSự đa dạng trong mẫu mã của các loại Robot thăm dò cho thấy rằng, vấn đề của việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm không nằm ở chỗ “tốt nhất” mà nằm ở chỗ “dám làm”. Trong các loại Robot có mặt tại Fukushima Daiichi, mỗi loại đều có một ưu nhược điểm riêng, đem theo lợi thế công nghệ từ công ty sản xuất (các bạn sẽ rõ hơn khi đọc qua các bài dịch trong chuyên đề). Do đó rất khó để đánh giá xem sản phẩm nào là tốt nhất, thế nhưng việc các công ty sẵn sàng đưa các robot của mình tham chiến và theo dõi cải thiện ngay trên thực địa có thể nói là một nét rất riêng trong tinh thần “Samurai” Nhật Bản. Gần như ngay lập tức sau khi thảm họa xảy ra các công ty đã có những kế hoạch để đưa sản phẩm của mình đến góp sức (dù đã có sẵn hoặc chưa có sẵn). Mặc dù công ty đầu tiên đưa Robot đến Fukushima Daiichi là công ty iRobot (một công ty của Mỹ) với sản phẩm Warrior 710, nhưng sự bùng nổ của các công ty Nhật Bản ngay sau đó là một điều mà có lẽ ta chỉ có thể thấy được ở nước Nhật. Điều này trong mắt chúng tôi thật sự giống một tập “truyện tranh”, hay gần gũi hơn là bộ phim Pacific Rim mới ra mắt gần đây.
Sự khác biệt thấy rõ của robot Nhật Bản và robot phương Tây (cụ thể là Mỹ) đó là robot phương Tây thường có nhiều khả năng tùy biến và phù hợp đa tác vụ hơn. Ngược lại, robot của Nhật lại thiên về tính ổn định, an toàn và có phần khép kín hơn một chút. Những đặc tính công nghệ của Robot do các nhà sản xuất Nhật đem đến không phải là tốt nhất thế giới (VD: pin hoạt động chỉ khoảng 1-2h), thế nhưng đứng từ góc độ nào đó, nó lại rất phù hợp với môi trường hoạt động trong lò phản ứng đầy nguy hiểm. Ví dụ như công nghệ xây dựng hình ảnh 3D của khu vực xung quanh, kết nối không dây, cắt nối đường ống…
Nếu ở Nhật, thảm họa xảy ra là sự chung tay của các công ty, các nhà khoa học để phân tích, giải quyết (kể cả mục đích của họ có thể chỉ là để khoe công nghệ) thì ở Việt Nam, thảm họa thường chỉ là cái cớ để các “nhà khoa học”, “nhà nghiên cứu” tụ họp với nhau để bàn phương án rồi cất vào kho. Những điều đó hẳn nhiều người rõ, nhưng không phải điều chúng tôi muốn bàn sâu trong chuyên đề này. Hãy đọc và tự có một suy nghĩ của bản thân mình.
Người viết: Trungmaster