Xu hướng thiết bị điện toán và cơ hội cho các công ty Nhật Bản

Thời gian gần đây, các công ty Nhật đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu về thiết bị điện toán có thể đeo trên cơ thể người (ví dụ như kính mắt thông minh, đồng hồ thông minh…). Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có ai có thể trả lời được câu hỏi “Vì sao con người lại cần những loại máy tính có thể gắn vào người với hình dạng kính đeo mắt hay đồng hồ đeo tay?”. Nhiều người thì cho rằng, đó có thể chỉ là một trò “đổi gió” mà thôi. Nhưng dù sao đi nữa, đây vẫn là cơ hội thuận lợi đối với các công ty máy tính Nhật Bản. Giống như y phục, wearable computer là loại máy tính/thiết bị điện toán có thể gắn lên người sử dụng. Loại máy tính thế hệ tiếp theo này có kết cấu gắn vào cơ thể, tương tự như kính đeo mắt (với gọng kính) hay đồng hồ đeo tay (dây đeo).

Trong nhiều năm qua, thị trường máy tính đã bị các công ty của Mỹ thống trị với những bộ phận hay phần mềm cốt lõi như hệ điều hành (OS), bộ xử lý trung tâm (CPU). Các công ty máy tính (từ Nhật) khó có thể giành quyền chủ động và luôn chịu cảnh lép vế dù đã hạ giá thành và nâng cao thiết kế sản phẩm. Tuy nhiên, với máy tính/thiết bị điện toán đeo trên người hiện tại chưa hình thành nền tảng chung thì khả năng các công ty Nhật Bản sẽ chiếm nhiều ưu thế nhờ nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

1. Từ đồng hồ đeo tay của Sony

Phát triển đồng hồ đeo tay thông minh là một động thái công nghệ rất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trên thế giới. Ông trùm Sony đã cắt hợp đồng liên kết sản xuất điện thoại di động với Ericsson Thụy Điển và thành lập một công ty con với tên gọi Sony Mobile Communications (trụ sở chính của Sony Ericsson cũ nằm tại cảng Tokyo). Vào năm ngoái, cùng với điện thoại thông minh, Sony đã phát hành Smart watch (đồng hồ thông minh) là loại đồng hồ đeo tay dùng kết hợp với Smart phone. Smart watch sử dụng một màn hình cảm ứng tinh thể lỏng cỡ lớn, cho phép hiển thị tên, số điện thoại hay ảnh đại diện của người gọi, thông báo tin nhắn trên blog, Twitter, hay mạng xã hội (SNS) Facebook… Ngoài ra, thiết bị cũng có thể phát lại, tạm dừng các bài nhạc lưu sẵn trong máy, hoặc báo rung (chế độ báo thức)… tất cả đều là những tính năng nổi bật của Smart watch.

Các công ty của Âu Mỹ cũng đang nỗ lực trong việc phát triển thiết bị đầu cuối dạng đồng hồ đeo tay, nhưng hiện chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm hoặc là chỉ là ở giai đoạn lên kế hoạch, phần lớn chưa thu được hiệu quả. Với việc xâm nhập thị trường thương mại hóa thành công, Sony sẽ có khả năng tập hợp thông tin phản hồi từ khách hàng một cách nhanh chóng hơn. Từ đó điều chỉnh hệ thống để có thể mang đến cho người sử dụng trải nghiệm tốt nhất trong các sản phẩm tiếp theo.

2. Đến gậy dành cho người già của Fujitsu

Gậy dành cho người già thế hệ mới từ Fujitsu
Gậy dành cho người già thế hệ mới từ Fujitsu

Bên cạnh Sony, một nhà sản xuất khác từ Nhật Bản là Fujitsu cũng đang nỗ lực trong việc nghiên cứu phát triển “chiêc gậy thế hệ mới” nhằm phục vụ cuộc sống những người cao tuổi. Vào tháng 2/2013, Fujitsu đã tổ chức hội chợ triển lãm điện thoại di động lớn nhất thế giới tại Barcelona, Tây Ban Nha nhằm trưng bày sản phẩm mẫu của chiếc gậy này và đã gây sự được chú ý với người sử dụng. Bên cạnh chức năng chỉ đường trên màn hình tinh thể lỏng được lắp đặp sẵn trong bộ phận tay cầm, chiếc gậy còn giúp người thân trong gia đình có thể xác định được vị trí hiện tại của người già từ khoảng cách rất xa.

Nhờ việc tận dụng ý tưởng độc đáo chỉ có ở Nhật Bản mà không có ở Âu Mỹ, thiết bị đã lọt vào mắt xanh những quan khách tới thăm hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, Fujitsu cũng đang nỗ lực trong việc phát triển thiết bị đầu cuối của sản phẩm kính đeo mắt thông minh, và xác định thiết bị điện toán đeo trên người là một trong những sản phẩm chiến lược trong tương lai. Tất nhiên, cơ hội cũng nằm ở phía các nhà sản xuất Âu Mỹ vì tại đây các công ty quyền lực về công nghệ thông tin như Apple hay Google cũng đang đầu tư mạnh tay cho sự phát triển loại thiết bị điện toán này.

3. Nhưng Google vẫn đi trước với “kính đeo mắt”

Google glass- sản phảm của tương lai (Nguồn: google.com)
Google glass – sản phảm của tương lai (Nguồn: google.com)

Thời điểm hiện tại, kính Google (Google glass) đã bỏ xa các đối thủ một bước… khá dài. Phần mắt kính có cơ chế hiển thị nhiều hình ảnh phong phú giúp quay phim, lướt web hay có thể đăng bài lên các trang mạng xã hội (SNS). Ngoài ra, dịch vụ dùng thử dành cho người tiêu dùng cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị và có thể sản phẩm sẽ ra mắt thị trường ngay trong năm nay.

Ngoài ra cũng có nhiều tin đồn cho rằng Apple đang phát triển loại thiết bị đầu cuối của đồng hồ đeo tay thông minh. Mặc dù hầu như không có thông cáo chính thức nào được truyền đi từ Apple – vốn được biết đến với độ bí mật tuyệt đối, nhưng lại tràn ngập những dự đoán từ người tiêu dùng, ví dụ như màn hình chuẩn tivi gắn kèm chức năng điện thoại, chức năng hướng dẫn chỉ đường… Bên cạnh đó cũng có những thông tin về việc công ty điện tử Samsung – Hàn Quốc đã bắt tay vào việc phát triển thiết bị đầu cuối dạng đồng hồ đeo tay thông minh.

Cơ hội sản xuất thiết bị di động kiểu mới cho khoảng 7 tỷ người sử dụng trên thế giới, được chia đều cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhật Bản. Dù chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới được Toshiba đưa ra thị trường vào 28 năm trước nhưng cuộc cách mạng smartphone lại xảy ra khi Apple cho ra chiếc điện thoại iphone 6 năm trước. Công cuộc đổi mới chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Chính vì thế, nếu các công ty sản xuất Nhật Bản không có chiến lược lội ngược dòng từ sớm thì cuộc chiến cạnh tranh sẽ chỉ ngày càng gay gắt về sau. Tất nhiên muốn thu được lợi nhuận thì phải tiếp tục cạnh tranh nhưng quan trọng vẫn là việc nắm quyền chủ động ở thời điểm chuyển giao công nghệ tiếp theo. Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện toán đeo trên người thì cả công ty trong nước (Nhật Bản) và công ty nước ngoài đều đang đứng ở cùng vạch xuất phát. Các công ty Nhật Bản nên nhìn kỹ lại thế mạnh vốn có, và chúng tôi rất hy vọng được sớm thấy các sản phẩm mới có kỹ thuật cao hơn nữa.


Người dịch: Nguyễn Hạnh Trang, theo 日経


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan