Apple không phải lúc nào cũng đi đầu
Họ không phát minh ra máy nghe nhạc cầm tay mp3 – họ tạo ra một biểu tượng phong cách xứng đáng với những giá trị nghệ thuật lưu trữ trên đó.
Họ không phát minh ra điện thoại thông minh (smartphone) – họ chỉ tạo ra sản phẩm đầu tiên giải thích cho khái niệm đó.
Và họ cũng không phát minh ra trợ lý bằng giọng nói, hay xe tự lái, hay công nghệ có thể đeo (wearable technology) hay bất kỳ cái gì sẽ xuất hiện tiếp theo đi chăng nữa.
Vậy đó – dù là cái gì sẽ xuất hiện tiếp theo – nó luôn có thể là mối đe dọa lớn nhất cho Apple, thậm chí dù chưa thể tiếp cận được từ bây giờ. Nhưng với góc nhìn trên, để duy trì vị thế đỉnh cao, Apple không cần dự đoán quá nhiều về tương lai, mà chỉ cần làm cho nó thật hoàn hảo.
Thời hoàng hôn của smartphone
“Chúng ta đã chuyển từ một thế giới xoay quanh máy tính sang một thế giới xoay quanh smartphone”, Benedict Evans, người thuộc công ty đầu tư mạo hiểm Andreesen Horowitz, cho biết.
Và bây giờ, “Chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ điều gì sẽ đến tiếp theo.”
Doanh số bán hàng của iPhone đang ngừng tăng trưởng. Thông thường đó sẽ là một thảm họa cho nhà đầu tư, nhưng Apple đã chấm dứt những tin xấu bằng cách tạo ra một chiếc iPhone đắt hơn. Năm ngoái, những chiếc iPhone X với giá 999$, đã nâng giá bán iPhone trung bình lên 724$.
Đến bây giờ, vẫn tốt. Nhưng sự bùng nổ của điện toán thế hệ tiếp theo có tiềm năng tạo ra những ông hoàng mới của thế giới, như đã từng tạo ra Apple. Chúng ta đang trong thời kỳ hoàng hôn của kỉ nguyên smartphone, và Apple không hẳn là có vị thế đủ mạnh để thành công với những gì sắp đến.
“Mọi người đang tập trung vào ô tô, kính thông minh, dịch vụ, điện toán đám mây, TV – những công nghệ còn chưa thành sự thực”, Evans cho hay. Sự lựa chọn duy nhất Apple có vào lúc này, như những công ty công nghệ ngoài kia, là giảm thiểu rủi ro tiềm năng.
“Apple đang phát triển những sản phẩm tương lai, một vài trong số chúng có thể là sẽ đáng chú ý như iPhone. Vấn đề là: làm sao bạn biết chúng sẽ như thế nào và chúng sẽ ảnh hưởng lớn đến mức nào?”
Thiếu dữ liệu
Nếu, giống như nhiều người thông minh dự đoán, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu (data) sẽ là những trụ cột của nền tảng tiếp theo, Apple có thể có điểm yếu.
Sự thật là Apple có ưu điểm tốt trong marketing, đó là họ không thu thập nhiều dữ liệu như Googles hay Facebooks. Dù tôi không nghi ngờ về những nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân của Apple, nhưng tư thế này của họ có thể chỉ để che dấu một sư thực rằng họ đang thiếu nghiêm trọng những dữ liệu cần thiết để cung cấp những mô hình AI mà chúng ta mong đợi.
“Apple sẽ phải tìm cách, làm thế nào họ có thể cung cấp dịch vụ mà không cần kiểm soát dữ liệu”, nhà phân tích Carolina Milanesi nhận xét.
Carolina cho rằng các vấn đề của Apple bắt đầu với Siri, thường bị người ta chế nhạo là trợ lý “thông minh”. “Siri có vẻ không nhớ được những gì cô ấy biết về tôi qua những thiết bị.” Milanesi nhận xét.
“Khi người sử dụng tin dùng Siri hơn, họ sẽ mong muốn Siri có biết về những điều họ thích hay không thích.”
Để làm được điều đó, Apple cần điều chỉnh cách tiếp cận của họ trong việc xử lí dữ liệu. Thay vì giữ dữ liệu người dùng trên thiết bị cá nhân, họ có thể nên bắt đầu gửi một vài dữ liệu về máy chủ (server).
“Điều này nghe có vẻ như Apple đang làm tổn hại chính sách cá nhân nhưng không hẳn vậy.” Milanesi tranh luận.
Apple đang giải quyết những thiết sót của họ trong lĩnh vực AI. Và mới đây Apple đã có một thương vụ đầy táo bạo, đó là thuê John Giannandrea, trước đó là đầu não về AI của Google.
Nước cờ này đã được báo trước bởi thời báo Financial như cách một cầu thủ bóng đá hàng đầu đào ngũ sang đội bóng kình địch. “Kẻ đào ngũ AI sẽ mang đến cho Apple quyền truy cập vào những bí mật sâu kín của Google”, là tiêu đề của bài báo đó.
Rủi ro tiềm tàng
Một vài người sẽ nói với bạn rằng, rắc rối lớn nhất với Apple trong tương lai gần, đến từ những làn sóng mà ai cũng biết: Chính sách áp thuế của Trump đánh vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đi cùng với sự trỗi dậy của các đối thủ rẻ hơn.
Ví dụ Huawei chẳng hạn, họ vừa vượt qua Apple trên phương diện số lượng smartphone bán ra trên toàn cầu.
Nhưng thực tế, chẳng điều nào trong những điều trên có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến kinh doanh của Apple. Người ta trả cho các thiết bị của Apple khủng khiếp hơn Huawei nhiều.
Bất cứ vấn đề nào xuất phát từ căng thẳng chính trị đều có thể xem là “rủi ro tiềm tàng” bởi phố Wall, Daniel Ives cho biết. Nhưng ở mức 1000 tỷ đô, Apple có thể quá lớn để bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người ta cũng đã từng nói như vậy về Microsoft ở những năm 90s, thời kì thống trị công nghiệp tính toán của họ, kết quả của việc họ đã hoàn chỉnh ý nghĩa của việc “sử dụng máy tính để bàn”: ở nơi làm việc, trường học, ở nhà. Thời thế đã thay đổi. Chúng cũng sẽ thay đổi đối với Apple như vậy.
[divider]
Biên dịch: Phạm Duy Tùng, theo BBC