18 bí quyết để bạn có một bài thuyết trình dở tệ

Chúng ta đều đã từng ngồi nghe rất nhiều bài thuyết trình tồi tệ. Thường chẳng ai muốn làm một bài phát biểu như thế cả, nhưng sẽ có rất nhiều điều bạn có thể học được từ chúng đấy. Hãy làm theo những bí quyết dưới đây (được chia sẻ bởi David Sholl, đến từ Đại Học Georgia Institute of Technology) để có một bài thuyết trình tồi tệ và tra tấn người nghe dã man nhất có thể nhé.

(Hoặc làm ngược lại để có một bài thuyết trình tuyệt vời)

1- Người ta thường nói nên bắt đầu bài thuyết trình bằng một câu nói đùa. Bạn đừng làm thế. Hãy dành vài phút trước khi phát biểu để chỉnh sửa máy tính, tìm file thuyết trình, thử mic…. Đừng kiểm tra chúng trước khi phát biểu bởi vì sự im lặng (trong lúc bạn tìm file) sẽ là một cách tuyệt vời để người nghe “nhớ” đến bạn.

2- Nếu bạn muốn bắt đầu phần thuyết trình bằng một bài nói, đừng quên đưa vào đó những giai thoại không liên quan, vô duyên và dài dòng (ví dụ: chuyện con mèo bị ngã gãy chân ở nhà hàng xóm của bạn chả hạn).

3- Hãy bắt đầu một phần giới thiệu thật dài và giải thích tỉ mỉ những thứ nhỏ nhặt. Ví dụ, bạn đang muốn nói về kỹ thuật địa chất ? Sao không thử bắt đầu bài thuyết trình bằng các cuộc cách mạng công nghiệp và từ đó hướng đến nội dung phát biểu nhỉ ?

4- Chỉ trích dẫn những gì bạn nói và những gì bạn viết, hãy lờ đi tất cả bài viết, công trình khác liên quan. Kệ họ.

5- Hãy chuẩn bị một slide tổng quát để tóm gọn những gì trong bài nói của bạn. Nội dung của slide này phải càng chung chung càng tốt. Ví dụ: Giới Thiệu/ Phương Pháp/ Kết Quả/ Kết Luận.

6- Nếu bạn cảm thấy lo lắng, đừng lo, cứ nói nhanh nhất có thể.

7- Hãy làm những slide thật khó đọc. Xin gợi ý sử dụng nhiều kiểu font ở nhiều chỗ khác nhau, dùng nhiều từ viết tắt và nhiều từ khó hiểu nhất có thể.

8- Khi bạn đang trình diễn dữ liệu, đặc biệt là bảng biểu, hãy dùng font nhỏ nhất có thể.

9- Đừng giải thích tại sao một số dữ liệu trong bài thuyế trình lại quan trọng hơn dữ liệu khác. Hãy cứ để những con số tự nói lên điều đó.

10- Tương tự, bạn đừng phí thời gian giải thích một hình ảnh trên slide có ý nghĩa gì và tại sao nó lại quan trọng. Hãy để hình vẽ tự nói lên ý nghĩa và người đọc tự khám phá điều đó (một hình vẽ bằng trăm lời nói cơ mà).

11- Nếu bạn biết mình đã hết thời gian mà vẫn muốn kết thúc trọn vẹn, cứ tua thật nhanh qua các slide. Người xem sẽ hiểu thôi.

12- Nếu bạn muốn dùng chữ, từ ngữ để giải thích cho một hình trên slide, hãy copy nguyên phần giải thích dài dằng dặc từ một bài luận văn nào đó vào trong slide.

13- Hãy để mọi người phải tưởng tượng và đoán nghĩa từng lời nói, từng slide của bạn. Ví dụ, ở góc dưới bên phải của slide “Kết luận”, hãy đề số trang giả (ví dụ 27/104). Như thế người ta sẽ không biết khi nào bạn muốn kết thúc bài nói của mình.

14- Đừng quên trình bày thêm những vấn đề khác sau khi kết thúc slide “Kết luận”. Ví dụ bạn có thể đưa ra những dữ liệu mới thậm chí còn chưa được xử lý từ những dự án khác.

15- Sau khi đọc xong phần “Kết luận”, bạn cũng có thể liệt kê tất cả những mục đã trình bày trước đó, và đọc lại lần lượt, to, rõ ràng từng chữ một.

16- Khi bạn muốn cám ơn một ai đó, một đơn vị nào đó đã giúp bạn thực hiện dự án, hãy tỉ mỉ nêu hết tất cả mọi người liên quan. Nếu một cơ quan có khoảng 100 người, thì sẽ thật thất lễ nếu bạn chỉ nêu có 99 người phải không ?!.

17- Đương nhiên, một trong những cách trình bày dễ gây ấn tượng đó là nói quá thời gian thời gian quy định. Hãy can đảm nói vượt sang phần của người khác và đừng có biểu hiện muốn kết thúc.

18- Hãy tận dụng những câu hỏi của người nghe để thảo luận về một chủ đề nào đó khác, và không liên quan gì đến những thứ họ đang hỏi. Đừng ngần ngại cắt ngang câu hỏi, như vậy bạn sẽ dễ nói những gì mình thích hơn. Nếu câu hỏi quá đơn giản, hãy tìm cách để câu trả lời dài và khó hiểu hơn.

Chúc các bạn thành công !.

[divider]
Biên dịch: Trungmaster, theo retractionwatch.com

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan