Malaysia quốc gia tại khu vực Đông Nam Á với diện tích tương đương Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng 1/3 của Việt Nam. Công nghiệp, dịch vụ là nền tảng cho nền kinh tế của quốc gia này. Dự đoán, năm 2020 GDP bình quân trên đầu người đạt 16,000 USD, tương đương với thu nhập của những quốc gia phát triển. Năng lực cạnh tranh quốc tế đứng thứ 12 trên toàn thế giới, vượt xa vị trí 21 của Nhật. Malaysia cũng là quốc gia hấp dẫn nhất đối với người Nhật sau khi nghỉ hưu.
Điều gì đã làm nên sự phát triển của Malaysia vượt xa so với tiến trình chung trong khu vực Đông Nam Á như vậy? Một trong những đòn bẩy để có Malaysia như ngày nay đó là chính sách Look East (Look East policy). Số báo này chúng ta sẽ cùng VietFuji tìm hiểu sâu hơn về chính sách và vị thủ tướng đưa ra chính sách này ngài Mahathir Mohamad. Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tại vị 22 năm liên tục (1981-2003), những chính sách ông đưa ra có nhiều điểm được học từ Nhật Bản. Năm nay thủ tướng 88 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5-2014, thủ tướng đã tham gia buổi tọa đàm “Tương lai châu Á” cùng các bạn sinh viên đại học tại TOKYO.
Dưới đây, VietFuji xin được tóm tắt lại nội dung phần đầu của buổi tọa đàm giữa ông và thầy Ikegami Akira.
Q: Ngài có thể cho biết chính sách Look East là gì? Mục tiêu hướng tới của chính sách này là gì?
Thủ tướng: Trong suốt một thời gian dài, thế giới đã hướng tới ngành sản xuất. Có thể nói Châu Âu là trung tâm của khuynh hướng ấy, và Châu Âu đã làm rất tốt phần việc của mình để nâng cao mức sống của người dân. Nhưng vào thời điểm tôi nhậm chức thủ tướng, những năm 80 của thế kỷ trước, thì các quốc gia có thể làm tốt được việc này đã không còn nhiều nữa.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã phải rời bỏ thị trường, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không ngừng phát triển và sự thực Nhật Bản đã trở thành quốc gia đi đầu trong ngành sản xuất. Tại sao Nhật lại làm được điều này? Và tại sao Nhật lại có được năng lực như thế ? Khi suy nghĩ, tôi thấy rằng chắc chắn phải có một yếu tố tiềm ẩn nào đó ở đây.
Thời đó, Nhật Bản là quốc gia không bó hẹp hoạt động kinh doanh trong phạm vi Châu Á mà mở ra quy mô toàn cầu, không chỉ phát triển mạnh về sản xuất mà còn là một quốc gia mạnh về dịch vụ. Chính những điều này đã khiến tôi mong muốn tìm hiểu về Nhật Bản. Và tôi nhận ra rằng Nhật là một mô hình lý tưởng cho Malaysia.
Tôi đã suy nghĩ rằng những luân lý mà người Nhật suy nghĩ về công việc, luân lý lao động, cách người Nhật bắt tay vào công việc, và giá trị quan nói chung của người Nhật là chìa khóa cho sự thành công ấy. Xuất phát từ quan điểm này, tôi đã quyết định xây dựng chính sách Look East để học từ Nhật và các quốc gia khác bí quyết thành công. Khi xây dựng chính sách này tôi muốn học xem Nhật đã làm thế nào để có thể tái xây dựng lại quốc gia sau sự tàn phá của chiến tranh, Nhật Bản làm thế nào để duy trì và tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phát triển như ngày nay.
Q: Trong sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, Nhật có những điểm mạnh hay sức hấp dẫn nào đáng để học tập? Nhiều người Nhật khi được biết quốc gia của họ đã trở thành hình mẫu cho mô hình phát triển của nhiều quốc gia khác, họ cũng đã rất bất ngờ. Vậy nhìn từ góc độ của thủ tướng, Nhật Bản có những điểm thú vị nào?
Thủ tướng: Trước hết phải biết được vì sao Nhật có thể hồi phục sau chiến tranh. Năm 1961 lần đầu tiên tôi đến Nhật Bản, lúc đó tôi thấy được hình ảnh của người Nhật làm việc vô cùng hăng say để xây dựng lại đất nước. Sau đó năm 1964, Nhật là chủ nhà thế vận hội Olympic Tokyo. Bị chiến tranh tàn phá, bị bại trận nhưng Nhật đã nhanh chóng khôi phục được nền kinh tế, đây quả là điều phi thường. Để làm được điều này, trong nền văn hóa của người Nhật Bản chắc chắn phải có một điều đặc biệt gì đó. Trong nước Nhật cũng phải tồn tại một giá trị quan đặc biệt nào đó.
Tôi đã quan sát, và tôi nhận ra rằng đó là văn hóa xấu hổ. Có nghĩa là khi làm gì đó sai thì họ biết xấu hổ, khi họ bắt tay làm một việc gì đó, nếu không làm được tốt thì họ biết xấu hổ. Bởi vậy, một khi bắt đầu chắc chắn họ sẽ không bỏ dở mà tìm cách để làm cho tốt hơn. Văn hóa này cũng làm nên sức mạnh của người Nhật. Vì họ biết xấu hổ nên họ không muốn làm điều gì mà phải xấu hổ, có nghĩa là khi bắt tay vào làm điều gì đó họ phải làm tốt nhất. Nếu sản xuất một sản phẩm thì phải làm ra được sản phẩm có chất lượng cao nhất, nếu bắt tay vào làm việc gì đó thì phải hoàn thành công việc một cách tốt nhất, phải làm cho nó thành công. Tôi nhận ra rằng, văn hóa này, giá trị quan này là yếu tố hết sức quan trọng làm nên thành công của Nhật Bản.
Bởi vậy, tôi đã suy nghĩ, nếu người Malaysia có thể tiếp nhận nền văn hóa xấu hổ này, giá trị quan này thì chẳng phải Malaysia cũng có thể thành công như người Nhật hay sao. Và người Malaysia cũng sẽ sánh vai cùng với người Nhật. Tôi tin như vậy.
Q: Malaysia đã học từ Nhật như thế nào? Malaysia đã áp dụng chính sách Look East này ra sao? Thủ tướng có thể cho biết được rõ hơn không?
Thủ tướng: Đầu tiên đó là sự thay đổi trong chính sách du học. Thời đó, phần lớn du học sinh được chuyển sang các quốc gia như Mỹ và châu Âu du học, nhưng tôi suy nghĩ tại sao không đưa một phần du học sinh Malaysia sang Nhật để học tập? Du học sinh có cơ hội được tiếp cận với kiến thức và kinh nghiệm sản xuất của người Nhật, và điều quan trọng hơn đó là học sinh Malaysia sẽ học được luân lý về lao động, ý thức khi bắt tay vào công việc và văn hóa của người Nhật.
Thứ hai, gửi người lao động Malaysia sang làm việc cùng với những người lao động Nhật Bản. Cho người Malaysia làm việc trong cùng công xưởng với người Nhật, khi đó người Malaysia sẽ nhìn thấy được người Nhật làm việc như thế nào, đây là con đường ngắn nhất để thay đổi ý thức của con người.
Tức là kết hợp giữa kiến thức, tri thức của các trường đại học, của các trung tâm nghiên cứu và tư thế cách thức làm việc tại công xưởng. Đây sẽ là cách để xây dựng nền kinh tế Malaysia.
Q: Theo ngài, nếu nhìn tổng thế Nhật Bản có xứng đáng là quốc gia được tôn kính tại khu vực châu Á hay không?
Học sinh tham gia buổi trao đổi có 70% trả lời là có, 30% trả lời là không.
Thủ tướng: Nếu nhìn từ khía cạnh performance thì Nhật thực sự là quốc gia tuyệt vời và đáng tôn kính. Nhật đã nhanh chóng tiến hành quá trình công nghiệp hóa trong thời gian ngắn, đồng thời Nhật Bản cũng nhanh chóng hấp thụ tri thức và công nghệ mới một cách nghiêm túc và phát triển chúng trong hoạt động sản xuất.
Nhìn về khía cạnh lịch sử, mối quan hệ của Nhật đối với các quốc gia Bắc Á như Hàn Quốc và Trung Quốc có lẽ chưa thực sự được tốt cho lắm. Bởi vậy, đối với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ khó có thể nói Nhật Bản là quốc gia đáng tôn kính. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, thực sự Nhật Bản là quốc gia đáng tôn kính. Với mức tăng trưởng 12% sau những năm chiến tranh và những thành quả mà tôi trình bày ở trên, trên thế giới những quốc gia có thể làm được điều này thực sự chỉ là thiểu số.
Q: Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, theo ngài, Nhật Bản đóng vai trò gì đối với các quốc gia châu Á?
Thủ tướng: Thứ nhất phải kể đến đó là việc Nhật Bản là quốc gia có sự đầu tư tích cực đối với các quốc gia Châu Á.
Trong tiến trình phát triển của Malaysia , có thể nói, Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng như một nhà đầu tư lớn. Nhật Bản không đơn thuần là nhà đầu tư, Nhật Bản còn giúp Malaysia tiến hành quá trình công nghiệp hóa, và giúp Malaysia có thể học được những kỹ thuật sản xuất cơ bản. Và nhờ có sự tham gia của Nhật vào nền kinh tế mà Malaysia có thể nuôi dưỡng được tầng lớp những nhà kinh doanh. Nếu xét từ khía cạnh đó, có thể nói Nhật Bản là quốc gia đầu tư nhiều về thiết bị, quốc gia tiến hành công nghiệp hóa các quốc gia khác. Đồng thời là quốc gia nuôi dưỡng kỹ sư và kỹ thuật cho nền sản xuất của chúng tôi.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn