Nhật Bản ngày nay khác với Nhật Bản cách đây nửa thế kỷ, Nhật Bản cách đây nửa thế kỷ nhìn từ khía cạnh nào đó lại giống với xã hội Việt Nam hiện tại. Sống trong xã hội nhiều vấn đề tồn đọng đó là cơ hội để có được chí lớn, đó cũng là điều mà giới trẻ Nhật Bản ngày nay phải học thế hệ đi trước. Có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh, là người có nhiều trăn trở muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ ngày nay, ông Yamada đã viết lại “20 điều gửi gắm thế hệ tương lai”. Hôm nay chúng ta hãy cùng VietFuji chia sẻ một trong những điều được tích lũy từ cuộc đời của ông nhé.
Tại sao con người lại muốn trang bị cho mình nhiều kỹ thuật và kỹ năng? Và tại sao con người lại có thể cho ra được trí tuệ? Đó là câu hỏi tôi vẫn tự vấn bản thân mình. Kể từ ngày thành lập trung tâm giáo dục sản xuất năm 1978, tôi đã tiến hành đào tạo hơn 10,000 người lãnh đạo, quản lý trong công ty thực hiện các công việc loại bỏ lãng phí. Tuy nhiên có một vấn đề tôi vẫn trăn trở và giờ nó vẫn là một bài toán lớn đối với tôi, đó là làm thế nào có thể đào tạo nuôi dưỡng được những con người có chí lớn.
Cũng không hiểu tại sao, tôi lúc nào cũng mang bản thân mình ra so sánh với các loài động vật để cố tìm hiểu xem con người thực ra là gì? Tại sao lại sống? Niềm vui khi được sống là gì? Làm thể nào để đạt được điều đó? Chắc chắn, lý do đó dù là con người hay chó mèo cũng sẽ không có sự khác biệt nhiều, tôi tin là như vậy. Tuy nhiên có một điều khác giữa con vật và con người đó là con người sẽ được ai đó chỉ cho những điều đó.
Tôi không phải là nhà động vật học nên tôi cũng không rõ, nhưng tôi nghĩ chó hay mèo đều biết được ý nghĩa của sự sống như một bản năng sinh tồn, giả sử nếu chúng được ai đó chỉ cho điều này thì có chăng cũng chỉ có thể là cha mẹ chúng mà thôi. Vậy con người thì sao? Con người hoàn toàn khác, từ khi bắt đầu đi nhà trẻ, lên tiểu học rồi trung học cơ sở, THPT, đại học, cao học…con người được dạy dỗ và giáo dục cộng đồng những người xung quanh.
Đâu chỉ có vậy, ngày nay, báo đài, internet…hàng ngày hàng giờ con người được tiếp cận với những nguồn thông tin mới. Nhìn những siêu sao trên tạp chí, những người nổi tiếng trên truyền hình, những doanh nhân thành đạt khiến không ít người cảm thấy sự bé nhỏ và yếu đuối của bản thân.
Sự dư thừa trong giáo dục, vô hình chung khiến tôi thấy con người đang dần ôm trong mình những bất an và sống không còn chí lớn nữa.
Xã hội Nhật Bản hiện đại sự phong phú và tiện nghi quá mức
Ngày trước giáo dục Nhật Bản lấy dạy đọc, dạy viết và học cách dùng bàn tính làm nền tảng. Ngoài những thứ đó ra, khi bước ra ngoài xã hội sẽ là lúc, không đúng hơn là chỉ có thể học vào lúc đó mà thôi. Chính trong môi trường giáo dục ấy, Nhật Bản đã đào tạo ra được những nhà kinh doanh để lại tên tuổi trong lịch sử như Matsushita (Panasonic) hay Honda.
Tôi sinh ra và lớn lên khi Nhật Bản vừa bước ra khỏi thất bại của thế chiến thứ 2, lúc đó Nhật Bản vô cùng nghèo đói. Bữa cơm có thịt chỉ là ngày tết hay ngày lễ đặc biệt. Một cuốn sách tôi cũng không đủ dư dả để mua, trong làng cũng không có một tiệm sách. Khi tôi học cấp hai, cuối cùng trong làng mới có những cửa tiệm bán ti vi mà cũng chỉ là ti vi đen trắng thôi nhá. Nhìn từ xã hội hiện nay chắc không ít người nghĩ rằng thời đó sao thật đáng thương. Nhưng chính sống trong môi trường như vậy đã khiến cho tôi có những ước mơ, tự bản thân mình làm những thứ còn thiếu, và tôi sống những tháng ngày của sự nỗ lực.
So với đương thời, xã hội Nhật Bản ngày nay đã quá đầy đủ và tiện nghi. Chỉ cần nỗ lực một chút là có được sự hỗ trợ từ chính phủ hay các đoàn thể, đi học đại học, cao học dùng tiền của bố mẹ cũng là chuyện đương nhiên. Kết cục, đừng nói tới chí cao mà ngay cả những bản năng sống của một sinh vật sống cũng đang dần mất đi.
Đời người, cái quý nhất của sự sống đó là có cái chí, cái chí muốn trở thành một người như thế nào? Hồi bé, tôi thích đến thư viện tìm đọc những câu chuyện về những vĩ nhân. Sau khi tốt nghiệp, tôi vào làm việc cho toà soạn báo, sau đó chuyển sang tư vấn kinh doanh, đến đây cuối cùng tôi mới nhận ra cái chí mà tôi muốn có được, cuộc sống mà tôi muốn theo đuổi. Kể từ đó, hàng ngày tôi tự vấn bản thân xem mình còn thiếu điều gì? Tôi không còn sống thụ động để chờ được ai đó dạy cho mình điều gì nữa, tôi đã lựa chọn theo cách sống tự đi tìm thầy để học, học những thứ tôi còn thiếu.
Vứt bỏ cuộc sống đợi chờ ai đó đến dạy cho mà sống theo cách tự bản thân mình đi tìm điều muốn học thì sao nhỉ? Đây chẳng phải bản chất của giáo dục hay sao? Khi nhận ra được điều này, tôi nỗ lực từng ngày kiểm chứng xem mình đã làm được gì trong ngày hôm nay để đạt được cái chí đã đặt ra.
Hỡi các bạn trẻ, hãy có chí cao, và hãy cháy hết mình mỗi ngày.
Yamada Hitoshi Chuyên gia tư vấn giáo dục lãnh đạo sản xuất Nhật Bản
Trích từ “20 điều gửi gắm thế hệ tương lai”
Biên dịch: Nguyễn Sinh Côn