Công nghiệp hóa nông nghiệp – Nhật sẽ vào cuộc

1. Những ông lớn của Nhật đang để mắt tới thị trường nông nghiệp

Bạn sẽ suy nghĩ gì nếu nói tới những cái tên như Toshiba, Toyota, Mitsubishi, Fujitsu. Ắt hẳn bạn cũng giống tôi sẽ nghĩ tới ngay những sản phẩm công nghiệp như máy tính, thiết bị bán dẫn, ô tô, các loại máy hàng không vũ trụ…Đúng vậy, đó vốn là những sản phẩm truyền thống của những ông lớn của Nhật, nhưng đứng trước thời kỳ dân số thế giới tăng nhanh, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp sạch và ổn định tăng cao, những công ty tầm lớn của Nhật bắt đầu để mắt tới một mảng mà họ đã “bỏ ngỏ” bấy lâu, đó chính là nông nghiệp.

Tháng 5 năm 2014, Toshiba đã chính thức cho xây dựng nông trường sử dụng ánh sáng nhân tạo tại Kanazawa và có chính thức sản xuất rau xà lách trên quy mô lớn từ mùa thu năm nay. Đối với nhiều nhà sản xuất thiết bị điện máy việc xây dựng những nông trường thử nghiệm không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên trường hợp của Toshiba lần này không phải là xây dựng “nông trường thử nghiệm cho các sản phẩm điện – điện tử phục vụ nông nghiệp”, Toshiba sẽ tham chiến thực sự trong thị trường hoàn toàn mới này, họ sẽ sản xuất nông nghiệp với mục đích thương mại.

Để có thể được xem là một lĩnh vực kinh doanh của Toshiba, nông trường cũng sẽ phải đạt trên một mức chuẩn nhất định. Mức chuẩn đó theo kết quả phân tích là 8400 gốc xà lách/ngày, tức khoảng 3 triệu gốc/năm. Nông nghiệp sẽ không phải là một thị trường đặc thù đòi hỏi mức giá trị gia tăng cao, thị trường này trong tương lai sẽ trở thành nơi có sự cạnh tranh về giá ở những cấp độ nhất định. Bản thân Toshiba đặt chân vào thị trường này họ cũng dự đoán được vấn đề và tham chiến với những chiến lược quyết chiến quyết thắng trong lĩnh vực được xem là Fresh Memory của họ. Quy mô sản xuất của công ty không dừng lại với quy mô sản xuất năm 2014, họ sẽ hướng tới quy mô lớn hơn trong lộ trình chiến lược. Ngay trong năm 2014, Toshiba cũng sẽ lên kế hoạch cho việc xây dựng nông trường tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á. Những bước đi của ông lớn này cho thấy tham vọng và quyết tâm trong thị trường nông nghiệp sạch. Bản thân các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ có cơ hội được học tập một cách làm mới hay sẽ phải đối mặt với một làn sóng cạnh tranh mãnh liệt trong thời gian tới, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào sự nhạy bén và khả năng thay đổi của những quốc gia này.

2. Những hiệu quả mong đợi từ quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp

Nhìn từ bước đi của Toshiba có thể thấy được hình ảnh của việc công nghiệp hóa ngành nông nghiệp trong tương lai. Tức là các sản phẩm nông nghiệp sẽ được sản xuất và quản lý giống như quy trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp như hiện nay. Nhật Bản vốn được xem là quốc gia mạnh về sản xuất công nghiệp và họ cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này. Bằng cách vận dụng toàn diện những know-how đó vào nông nghiệp, việc sản xuất sẽ có được những lợi ích sau:

  • Hạ giá thành: nhờ cắt bỏ được những lãng phí và tận dụng được lợi thế của hiệu quả sản xuất hàng loạt.
  • An tâm: đây là yếu tố có được do vận dụng các biện pháp quản lý nghiêm mật trong môi trường của nông trường nhân tạo, bao gồm cả chế độ ánh sáng, dinh dưỡng, quản lý nhiệt độ…
  • Ổn định: Sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào điều kiện môi trường, việc sản xuất được thực hiện theo đúng kế hoạch được đặt ra, do đó sẽ đảm bảo được thời gian giao hàng cho các nơi cung ứng.
VF Nong nghiep 3
Sự kết hợp giữa know-how trong sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp

Toshiba cũng mới chỉ là một góc trong núi băng trôi mà thôi. Ngoài Toshiba hiện nay nhiều công ty lớn của Nhật cũng sẽ nhảy vào khai thác và phát triển thị trường này, trong đó phải kể đến sự tham gia của Toyota, Panasonic, Hitachi, Denso, Showa denkou, JFE engineering, Kobe Steel Co. Vậy những công ty này sẽ tham gia vào những mảng nào? Bảng bên trên sẽ  cho chúng ta cái nhìn tổng quát.

Nông nghiệp trong thời gian tới sẽ có sự hỗ trợ của Robot và hệ thống điều khiển tự động nhằm điều tiết các điều kiện canh tác, hỗ trợ con người trong các công việc chân tay. Các thiết bị này sẽ không chỉ giới hạn trong những nông trường nhân tạo khép kín mà còn được mở rộng ra cả những nông trường lộ thiên trong phạm vi có thể.

3. Thị trường mới từ con mắt của người sản xuất

VF Nong nghiep 1
Kết quả bản điều tra của Nikkei tiến hành đối với những người làm trong lĩnh vực sản xuất được trình bày như ở biểu đồ phía trên. 972 người đã tham gia trả lời, trong đó 81.7% cho rằng họ thấy được sự sức hấp dẫn của ngành sản xuất nông nghiệp. Giải thích cho việc này có một số những lý do chính như sau:

  •  Thứ nhất: Vai trò sản xuất lương thực thực phẩm ngày càng quan trọng. Ngành nông nghiệp sẽ phải sản xuất đủ lương thực theo tốc độ tăng dân số ngày càng nhanh tại những quốc gia đang phát triển. Đó là chưa kể nhu cầu về sử dụng rau tươi và sạch chắc chắn tồn tại tại những khu vực cực lạnh và cực nóng không phù hợp với hoạt động canh tác. Mặt khác, sự biến đổi khí hậu dẫn tới sa mạc hóa, sự ấm lên của trái đất có nguy cơ phá vỡ sự cân đối về cung cầu của các sản phẩm nông nghiệp. Nếu chỉ nhìn trong nước Nhật, sự già hóa của dân số đồng thời sự phát triển của các ngành dịch vụ khiến dân số hoạt động trong nông nghiệp ngày càng giảm, kết quả khả năng tự cung tự cấp sẽ bị thu hẹp trong tương lai. Trong bối cảnh khó khăn ấy, nếu công nghiệp hóa nông nghiệp để sản xuất với số lượng lớn, giá cạnh tranh, ổn định về chất lượng và thời gian giao hàng chắc chắn sẽ trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội.
  • Thứ hai: Kỳ vọng của con người đối với chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Con người dần bước ra khỏi thời kỳ ăn no mặc ấm, để chuyển sang thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Trong bối cảnh đó, nhu cầu của những người thuộc bộ phận trung thượng lưu sẽ dần chuyển sang thị trường cung ứng những sản phẩm nông nghiệp tươi, ngon, an toàn và có thể tin tưởng được.
  •  Thứ 3: Những sản phẩm nông nghiệp chức năng sẽ khó sản xuất trong điều kiện canh tác tự nhiên. Nhu cầu của thị trường này được dự đoán sẽ tăng cao trong thời gian tới. Những nông sản chức năng được định nghĩa là những sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho những nhu cầu đặc biệt như điều trị y học, phục vụ ăn kiêng…Đối với những sản phẩm như thế này, không dễ dàng để sản xuất trong điều kiện tự nhiên, tuy nhiên có thể sản xuất với sản lượng lớn dưới điều kiện quản lý dinh dưỡng, ánh sáng nhiệt độ một cách nghiêm ngặt của hệ thống điện tự động. Ví dụ, công ty Kaitsu Fujikakou (会津富士加工) có trụ sở tại Fukushima đã cho xây dựng nhà kính bán dẫn, sử dụng hê thống điều tiết ánh sáng tự động 100%, điều tiết việc hấp thụ Kali bằng hê thống quản lý dinh dưỡng giúp sản xuất rau xà lách có hàm lượng kali thấp chuyên phục vụ cho những bệnh nhân bị bệnh thận.
VF Nong nghiep 2
Vì sao cần công nghiệp hóa nông nghiệp


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn
Tham khảo: Nikkei Monozukuri tháng 9/2014


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan