1. Trí tuệ con người là vô hạn
Khi tôi được hỏi phương thức sản xuất Toyota là gì tôi trả lời rằng đó là phương thức được xây dựng dựa trên hai trụ cột là Just In time và tự lao động hóa (自働化) (chữ động trong lao động có gắn bộ nhân, cho thấy sự can thiệp về trí tuệ của con người).
Suy nghĩ về tự lao động hóa như trên được khởi nguồn từ Toyoda Sakichi, người phát minh ra chiếc máy dệt tự động. Ông đã tạo ra hệ thống sao cho khi gặp trục trặc, máy dệt sẽ tự động dừng lại, những người đứng máy sẽ có những can thiệp kịp thời để khắc phục lỗi và cho máy tiếp tục hoạt động trở lại.
Just In time là suy nghĩ được Toyoda Kiichiro (con trai Toyoda Sakichi) đề xướng, sau này suy nghĩ này được Ohno Taiichi áp dụng vào trong công xưởng và tổng hợp lại thành phương thức sản xuất Toyota như chúng ta biết tới ngày nay. Cả hai suy nghĩ trên đều có một điểm chung đó là “loại bỏ lãng phí” và “kaizen (cải thiện) dựa vào trí tuệ của con người”. Phương thức sản xuất Toyota có điểm khởi đầu chính là sự tin tưởng vào trí tuệ của con người.
Ngày trước, có một xưởng trưởng của một công xưởng sản xuất linh kiện ô tô khi được ông Ohno giao cho một công việc khó, công xưởng trưởng đã ngay lập tức trả lời là “việc này là không thể thực hiện được”. Lúc đó ông Ohno vô cùng tức giận và đã mắng rằng: “Cậu có rất nhiều nhân viên, vậy mà cậu lại bỏ qua những trí tuệ của họ mà trả lời ngay là không thể thực hiện được, tôi không hiểu cậu đang nghĩ gì?”. Đúng là cách tức giận mang phong cách Ohno Taiichi, người luôn tin vào năng lực và trí tuệ của con người. Tiêu đề của bài viết này cũng chính là một phần trong câu cửa miệng của ông, “Con người có nhiều năng lực, trí tuệ con người là vô hạn”.
2. Khi không có gì để tin tưởng hãy tin vào chính mình
Có nhiều người quản lý và người làm kinh doanh không tin vào năng lực và trí tuệ của nhân viên mình. Nhưng có thực sự nhân viên không đủ năng lực không? Thực tế nhiều trường hợp không phải nhân viên không có năng lực mà là cấp trên chưa biết cách, chưa đủ kỹ thuật để lôi ra được những năng lực tiềm ẩn của nhân viên. Cho dù vậy, có người vẫn khăng khăng khẳng định rằng đúng là nhân viên tôi không có trí tuệ, có thể họ đang bị nhầm giữa trí tuệ và kiến thức.
Để dễ phân biệt chúng ta suy nghĩ như sau: kiến thức là thứ có thể mua được bằng tiền, còn trí tuệ là thứ có tiền cũng không mua được. Kiến thức có thể có được khi học ở trường, đọc sách hay tham gia hội thảo v.v…mặt khác trí tuệ để giải quyết các vấn đề gặp phải trong công việc chỉ có thể có được thông qua công việc mà chính bản thân mình trực tiếp tham gia thực hiện. Bởi vậy, cấp trên trong Toyota thường làm khó nhân viên bằng công việc. Mục đích không phải để trù dập mà để rèn luyện nhân viên sao cho họ có thể giải quyết vấn đề bằng cách suy nghĩ trong đầu, và sử dụng trí tuệ của bản thân. Cấp trên mà nói rằng “cấp dưới không có trí tuệ” thì họ không có tư cách làm cấp trên.
Tôi nhớ, trong một buổi họp mặt giữa những người đang làm việc tại Toyota và những người đã nghỉ hưu, có một nhân viên Toyota nói rằng “gần đây công việc rất bận, cả thời gian và nhân lực đều không đủ”. Nghe vậy, một OB (người đã từng làm việc) mới mắng rằng: “cái thiếu không phải là thời gian hay nhân lực, cái thiểu chính là trí tuệ của cậu”. Cách mắng cũng rất Toyota, tại Toyota điều quan trọng đó là tin tưởng vào trí tuệ của con người, tin vào năng lực của con người”. Không phân biệt trên dưới, cấp trên và cấp dưới hòa làm một và cùng mài dũa trí tuệ bản thân. Đây chính là khởi nguồn cho năng lực cạnh tranh và cũng là nguồn gốc trong sản xuất của Toyota.
Toyota đã trở thành số một thế giới như thế này
Cấp dưới thường muốn nhận câu trả lời từ cấp trên , dễ chán trong công việc, đây là lý do mà họ không có được trí tuệ. Trong một tập thể vị trí trên dưới không quan trọng, bản thân cấp dưới cũng phải tin tưởng vào chính bản thân mình. Nếu bản thân mình còn không tin thì còn tin ai? Trong Toyota, mỗi người được giáo dục để thấm nhuần tư tưởng này và tất nhiên tập thể Toyota luôn coi trọng và tin tưởng vào trí tuệ con người hơn tất cả, đây chính là một trong những bí quyết giúp họ trở thành công ty hàng đầu thế giới.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn
Theo cuốn “Nghệ thuật làm việc tuyệt vời của Toyota”