4 nguyên nhân của sự phát triển thần kì Nhật Bản sau thế chiến thứ 2

Sau thế chiến II, nền kinh tế Nhật Bản ở trong thời gian mò mẫm để tìm ra con đường vực dậy từ tình trạng hỗn loạn do sự thất bại sau chiến tranh để lại. Đúng thời kì đó một cơ hội vàng đã đến với Nhật bản – nhu cầu khí tài cực lớn trong chiến tranh liên Triều. Nhờ đó nền kinh tế đã được vực dậy từ nửa cuối những năm 1950 đến thập niên 60, đánh dấu sự mở đầu của giai đoạn phát triển thần kì. Trong khoảng thời gian 1955 đến năm 1970, tỉ lệ tăng trưởng thực chất GNP trung bình hàng năm đạt tới 9.8%, nền kinh tế Nhật Bản thực sự bước vào thời đại “Phát triển kinh tế cao độ” được ví như là một truyền thuyết trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước.

Nền kinh tế Nhật Bản sau thời kì phát triển cao độ đó vẫn có những bước phát triển bền vững và đến ngày nay đã biến nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới. Sự thành công của mô hình phát triển kinh tế Nhật Bản dần thu hút được sự quan tâm đặc biệt trong thế giới tự do sau chiến tranh. Có không ít các quốc gia đang phát triển ấn tượng với mô hình phát triển của Nhật bản, lấy đó làm hình mẫu để đưa ra các sách định trong chính sách phát triển kinh tế đất nước.

Nhưng nhìn nhận khách quan, chúng ta phải thấy và không được quên rằng nước Nhật đã hội tụ được những điều kiện cần thiết để thực hiện thành công giai đoạn phát triển thần kì đó. Nhìn những quốc gia đang phát triển bắt chước mô hình Nhật Bản mà không thu được thành công thì chắc rằng họ đã không hội tụ đủ những điều kiện đặc thù làm tiền đề này.

Vậy những điều kiện của sự phát triển kinh tế thần kì của Nhật Bản là gì? Đâu là bí quyết trong sự thành công đó? Thực tế, đã có rất nhiều nguyên nhân hợp lại một cách hoàn hảo trong điều kiện thời gian và không gian tại thời điểm đó. Trong bài này, để tiện phân tích sẽ đề cập tới 4 từ khóa tựa như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là: Con người  –  Vật chất  –  Tiền  –  Thời kì

1. Điều kiện thứ nhất của sự phát triển thần kì – Con người

Con người ở đây chính là sức lao động. Nước Nhật sau chiến tranh có nguồn lao động rẻ nhưng chất lượng rất cao. Tức là với một vốn kĩ thuật sản xuất nhất định có thể đưa ra những sản phẩm giá thành rẻ do giá nhân công rẻ. Đặc biệt hơn nữa là với phong trào sinh con (baby boom) sau chiến tranh, thì tới những năm thập niên 60 nước Nhật đã có được một thế hệ với nguồn năng lượng dồi dào, sức lao động có thừa.

Thêm nữa phải kể đến sự ra đời của 3 điều luật trong bộ luật lao động (luật hợp tác xã lao động, luật cơ chuẩn lao động, luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lao động) bảo vệ quyền lợi và cuộc sống sinh hoạt của người lao động. Cùng với việc các công ty Nhật Bản áp dụng chính sách tuyển dụng cả đời, tăng lương theo số năm làm việc (đây là điểm đặc sắc cơ bản trong tư duy kinh doanh của người Nhật) đã giúp người lao động có thể hoàn toàn yên tâm để cống hiến hết tinh thần, sức lực, trí tuệ cho công việc.

Chú thích thêm : Trong giai đoạn này, mọi tầng lớp trong mỗi công ty đều coi công ty chính là nhà của mình, người ta làm trong một công ty từ tuổi thanh niên đến khi về già. Ngay cả bây giờ khi tiếp xúc với người khác họ vẫn dùng cách gọi công ty mình làm việc là: uchi no kaishya – công ty nhà tôi .

Điều kiện “Con người” ở đây có tính hai mặt. Nếu trên đây đề cập tới sức lao động, thì mặt còn lại chính là lực lượng người tiêu dùng. Lực lượng sản suất đông đảo đồng nghĩa với lực lượng tiêu dùng đông đảo, thúc đẩy việc tiêu thụ một lượng lớn những mặt hàng được sản xuất. Đặc biệt hiện tượng phân tách gia đình hạt nhân từ những đại gia đình đã góp phần không nhỏ trong việc phổ cập thiết bị điện dân dụng. Nhu cầu to lớn trong nước đã đưa nền kinh tế phát triển một cách vững mạnh.

2. Điều kiện thứ hai của sự phát triển thần kì – Vật chất

Vật chất ở đây chính là việc sản xuất. Sau những năm 1950, trong những nghành sản xuất chủ chốt, các công ty đã mở rộng việc cạnh tranh lẫn nhau bằng việc đưa những kĩ thuật mới từ Âu – Mỹ hay trực tiếp nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới, cải tiến kĩ thuật cũ. Nhờ đó việc đầu tư thiết bị với những kĩ thuật mới thu được được thực hiện khắp nơi. Đây là một phần trong cuộc cạnh tranh phá giá trong bối cảnh một vài công ty lớn thâu tóm một lĩnh vực kinh doanh nào đó. Ngoài ra những ngành công nghiệp mới như: công nghiệp hóa học nặng, cộng nghiệp điện tử, công nghiệp sản phẩm lâu bền (ô tô, đồ điện dân dụng …) ngày càng được phát triển và dần trở thành những ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản. Trong thời kì phát triển thần kì này, ba mặt hàng trọng điểm là tivi, máy giặt, tủ lạnh trở thành biểu tượng cho sự phổ cập nhanh chóng của các mặt hằng lâu bền đến mức người ta đã gọi đây là 3 thần khí để miêu tả mặt tiêu dùng của xã hội Nhật bản thời bấy giờ. Thêm nữa, trong thời kì này nền sản xuất số lượng lớn với hiệu suất cao được xác lập, các sản phẩm của Nhật bản với giá thành hạ và chất lượng được cải thiện đã xâm nhập nhanh chóng vào các thị trường nước ngoài chứ không chỉ trong nước.

3. Điều kiện thứ ba của sự phát triển thần kì – Tiền

Tiền ở đây chính là vấn đề tài chính doanh nghiệp, như hệ thống ngân hàng giao dịch chính hay sự ổn định hóa của các cổ đông lớn. Các công ty xí nghiệp có những hợp đồng liên kết giao dịch dài hạn đặc biệt với một ngân hàng nhất định để đảm bảo nguồn đầu tư tư bản ổn định trong thời gian dài, không cần hồi trả ở những thời điểm khó khăn, thay vào đó mọi quyết toán của công ty phải được thực hiện bằng tài khoản của ngân hàng đó và có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết cho ngân hàng. Vấn đề thiếu vốn đầu tư của doanh nghiệp và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng làm cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trở nên hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau.

Những doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật thời kì đó có thể kể đến SONY hay HONDA thời kì đầu đã rất khó khăn về vốn, nhưng họ đã nhận được những khoản đầu tư rất lớn để phát triển nhanh chóng và lớn mạnh như ngày nay. Hệ thống ngân hàng chính đã phát huy hiệu quả trong việc đào tạo những doanh nghiệp sở hữu những kĩ thuật có triển vọng, cho thấy một mặt đặc trưng về tài chính của thời kì phát triển kinh tế cao độ của Nhật. Thêm nữa, các ngân hàng chính trở thành trung tâm trong việc sở hữu cổ phần lẫn nhau giữa các công ty, góp phần làm cho thành phần cổ đông ổn định. Nhờ thế mà đội ngũ lãnh đạo việc kinh doanh có thể an tâm để tập trung cho việc phát triển công ty.

4. Điều kiện thứ tư của sự phát triển thần kì – Thời cơ

Năm 1949 nước Nhật đưa ra chính sách tài chính mang tên Dodge Line nhằm mục đích hướng tới một nền kinh tế tự lập và ổn định đặt trọng tâm vào các vấn đề cơ sở hạ tầng, chấn hưng xuất khẩu, hạn chế tiêu dùng trong nước. Nhờ chính sách này mà vấn đề về cơ sở hạ tầng sau thế chiến được giải quyết, tỉ giá đồng đô la cũng được cố định ở mức 1 đô la = 360 yên. Ngay năm tiếp theo – năm 1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, với tỉ giá đồng yên rẻ (360 yên) và nhu cầu mặt hàng nhu yếu phẩm từ Triều Tiên cực lớn, nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng vượt qua mức trước thế chiến II. Thời điểm đó, việc coi chính sách công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu chưa được nhận thức đúng đắn như một chiến lược phát triển kinh tế nên việc Nhật Bản thực hiện từ sớm chính sách này chính là chìa khóa của sự thành công trong phát triển kinh tế, bởi điều đó đem lại may mắn là không có đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu. So với hiện nay, các nước đưa ra những chiến lược hướng đến xuất khẩu tương tự nhau nên việc xuất khẩu không được khả quan như dự tính.Trong bối cảnh như vậy, các điều kiện có lợi cho phát triển về “Con người”, “Vật chất”, “Tiền” đạt được cùng lúc tạo ra một điều kiện tổng hợp đã giúp kinh tế Nhật Bản thành công với sự phát triển thần kì.

Qua đây chúng ta cần nhận rõ không chỉ nhìn vào sự phát triển kinh tế, những kĩ thuật siêu việt của Nhật Bản hiện, mà cần phải tìm hiểu ngọn nguồn của sự phát triển đó. Sự khác nhau về bối cảnh xã hội và cơ hội (chiến tranh liên Triều) mang lại sự thuận lợi hay khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Theo sự nhìn nhận của người viết, bốn nguyên nhân trên mới chỉ là điều kiện để nước Nhật bắt đầu một cuộc phát triển thần kì. Để định hướng và điều chỉnh hướng đi cho nền kinh tế trong quá trình phát triển đó có những chính sách kịp thời và nhất quán nữa. Và đặc biệt trong lĩnh vực kĩ thuật sản xuất, đức tính chung của người kĩ sư Nhật Bản là : làm đến cùng, không bằng lòng với kĩ thuật hiện tại, luôn luôn có ý thức cải tiến bằng suy nghĩ của bản thân không sao chép, tạo bản sắc của công ty trong mỗi sản phẩm đã đưa kĩ thuật made in Japan lên đỉnh cao thế giới như ngày hôm nay.


Người dịch: Trần Đăng Phong

Nguồn tham khảo: iuk.ac.jp


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

3 thoughts on “4 nguyên nhân của sự phát triển thần kì Nhật Bản sau thế chiến thứ 2”

  1. Duy

    Ổn đó
    Em nhiwf cái này để thi học kì

  2. VietManh

    Cảm ơn bạn rất nhiều!

  3. Thái

    Xin cảm ơn,bài đăng rất hay và bổ ích

Comments are closed.