Có nên sắp xếp thứ tự công việc?

 

Có một sự thực đó là việc không sắp xếp rõ ràng thứ tự công việc lại giúp bạn biết đối ứng linh hoạt, giúp bạn trở thành “người làm việc nhanh”.

 

Khi bạn quyết định sẽ làm một công việc vào ngày nào đó, bạn cần bắt đầu làm từ công việc mà “chắc chắn đến ngày đó phải xong cho bằng được”. Ngoài những việc đó ra, với những công việc “ngày hôm đó không làm cũng được”, nếu bạn làm dần từ những việc đơn giản, công việc sẽ tiến triển nhanh hơn.

Nếu bạn quyết định trước thứ tự làm việc, bạn có thể bị chi phối bởi trạng thái sức khoẻ, tinh thần của ngày hôm đó. Nhiều khi bạn phải làm những việc bạn cảm thấy “mình không muốn làm tí nào”. Khi bạn cố hoàn thành những việc như vậy, công việc sẽ khó trôi chảy, lại gây ảnh hưởng nhiều về sau, từ đó dẫn đến công việc không thể tiến triển tốt.

Đối với những công việc như thế, trong phạm vi có thể bạn hãy để lại làm sau. Sau đó bắt đầu từ những việc dễ làm.

 

Tôi có thử dùng Excel tạo danh sách quản lí những công việc phải làm thì liệt kê ra đến 22 mục nhỏ, nhưng tôi không quyết định thứ tự làm chúng rạch ròi.

Trước tiên, tôi phải quyết định sẽ làm bao nhiêu việc trong ngày hôm đó, nên tôi có viết danh sách công việc nào làm trong khoảng thời gian nào, nhưng tôi không bắt buộc mình phải làm bằng được. Tôi nhìn lướt qua danh sách công việc, sau đó bắt đầu từ việc tôi thấy muốn làm.

Nhưng với điều kiện, tôi phải hoàn thành công việc trong khoảng thời gian đã định ra.

 

Khi ấy, điều quan trọng nhất là tôi giảm được thời gian suy nghĩ “công việc này mình không muốn làm chút nào” hoặc than thở “mình phải làm thế nào để hoàn thành đây”.

Bằng cách thực hiện từ những công việc đơn giản phù hợp với tâm trạng, tôi có thể giải quyết được những suy nghĩ đó.

Bởi vậy, tôi luôn cố gắng quyết định ngay công việc sẽ làm.

 

“Không sắp xếp sẵn thứ tự công việc”. Điều này không chỉ giới hạn trong lúc tiến hành công việc mà còn cần thiết trong cách suy nghĩ của xã hội hiện nay.

Thế giới hiện tại, nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta không biết được điều gì sẽ xảy ra, đó là một thế giới không thể dự đoán. Một số cải tiến, đổi mới xảy ra có thể khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ 180 độ so với trước đây. Để có thể sống sót trong xã hội như thế, chúng ta cần sự ứng biến linh hoạt một cách dễ dàng khi có chuyện gì đó xảy đến.

Những người không cố gắng thay đổi bản thân, cứng nhắc với những thứ có sẵn từ trước đến nay sẽ bị đào thải. (Đương nhiên, ý chí tin tưởng vào con đường mình đã chọn cũng vô cùng quan trọng).

Có thể tôi nói hơi chút cường điệu, nhưng để sống trong thời đại ngày nay, bạn cần phải không cứng nhắc, tiến lên phía trước với sự mềm dẻo và linh động nhất định.

 

Trong giới thể thao cũng tương tự như vậy. Khi thi đấu, vận động viên phải nắm được tình huống trong khoảnh khắc, ngay lập tức đưa ra quyết định phải làm gì, phải thay đổi tư thế, thay đổi bản thân thế nào.

Ngay cả trong môn bóng chày, chẳng hạn khi phòng thủ, ở một mức độ nhất định, cầu thủ sẽ phán đoán hướng đi của quả bóng để chuẩn bị, nhưng tương ứng với từng quả bóng bay tới, họ vẫn cần thay đổi động tác cũng như thứ tự hành động.

 

Việc quyết định rạch ròi thứ tự công việc sẽ làm ngược lại quá trình đó.

Bạn hãy làm dần công việc bằng cách thay đổi thứ tự phù hợp với các tình huống tức thời. Đó chẳng phải là bí quyết để trở thành “người làm việc nhanh” hay sao.

 

 

Nguyễn Đăng Vũ

Theo cuốn “Người làm việc nhanh, người làm việc chậm”

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan