Bạn đã bao giờ lưu những cuộc đàm thoại, nói chuyện ở trong đầu và xem xét lại chúng dưới nhiều góc độ khác nhau chưa ? Ví dụ bạn vừa có một buổi nói chuyện với cấp trên về vấn đề tăng lương. Hãy tưởng tượng về phòng họp với bạn và cấp trên. Bạn sẽ cảm thấy tim mình đập mạnh, mồ hôi túa ra cùng với hằng hà sa số những ví dụ mạnh mẽ để thuyết phục cấp trên tăng lương cho bạn.
Bạn lặp đi lặp lại buổi nói chuyện đó trong đầu mình theo nhiều kiểu. “Nếu cấp trên nói thế này, mình sẽ nói thế kia”. Bạn đánh giá mọi tình huống có thể xảy ra và hy vọng điều đó sẽ dẫn đến một buổi nói chuyện thuận lợi và ít căng thẳng hơn.
Tất cả những gì bạn đã và đang làm là một trải nghiệm tâm lý tên là JOUSKA.
Nói một cách đơn giản, JOUSKA là một hội chứng mà trong đó bạn lập giả thiết về những cuộc trò chuyện và cho chúng diễn ra trong đầu mình (như một bộ phim, tua đi tua lại). JOUSKA là một công cụ hữu hiệu để bạn chuẩn bị hoặc rút kinh nghiệm cho những cuộc nói chuyện căng thẳng.
Chúng ta đều biết rằng, khi một cuộc trò chuyện diễn ra, mỗi bên đều có những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, giả thiết, trải nghiệm, niềm tin riêng. Nếu chúng ta đẩy cảm xúc lên quá cao, đôi khi chúng ta không còn là chính mình nữa.
JOUSKA là một công cụ tinh thần giúp bạn chuẩn bị cho những tình huống khó kiểm soát cảm xúc như vậy. Thông qua JOUSKA, bạn có thể nâng cao chất lượng của buổi nói chuyện bằng ba bước.
Đầu tiên, bạn có thể thử chuyển đổi cách đánh giá.
Thay vì đánh giá suy nghĩ, tính logic trong lập luận của người khác, bạn có thể tự dò xét bản thân mình. Hãy tự hỏi rằng lý lẽ của bản thân là thực tế hay chỉ là phán đoán ? Liệu bạn đã có đầy đủ cơ sở chưa ? Lúc đưa ra những lập luận như vậy cảm xúc của bạn đang như thế nào ?
Thứ hai, bạn có thể thử ngừng coi đối phương là nguồn gốc gây ra vấn đề của bạn.
Sự căng thẳng thường đến từ hai phía. Nhưng đôi khi bản thân chúng ta quên mất mình cũng là một “người chơi” trong cuộc nói chuyện hiện tại.
Thứ ba, thử soi xét bản thân ở cả hai trạng thái: câm lặng và bạo lực.
Trạng thái bạo lực ở đây là việc bạn tìm cách kiểm soát, gán ghép hoặc tấn công cá nhân đối phương. Khi rơi vào trạng thái này, cảm xúc sẽ lấp đầy bộ não và khiến chúng ta bị mất khả năng kiểm soát suy nghĩ để tập trung vào những điểm trọng yếu. Đây là trạng thái nên tránh. Trạng thái câm lặng cũng không tốt hơn. Câm lặng ở đây là từ chối trò chuyện cho đến khi kết thúc, né tránh những chủ đề khó hoặc tìm cách che dấu ý định cá nhân trong lời nói.
Bốn câu hỏi để chọn lọc nội dung truyền tải
Sau khi trải qua ba bước trên, bạn có thể tự hỏi tự hỏi thêm bản thân 4 câu:
1. Bạn muốn gì trong cuộc nói chuyện này ?
2. Bạn muốn đưa điều gì cho đối phương qua cuộc nói chuyện này ?
3. Bạn muốn gì trong mối quan hệ với đối phương ?
4. Bạn nên làm gì để đạt được tất cả những kết quả trên ?
Bốn câu hỏi này sẽ giúp bạn chọn lọc cách trình bày và nội dung phù hợp nhất với mục đích của cuộc nói chuyện.
Hy vọng rằng hội chứng JOUSKA cùng bốn câu hỏi và ba bước trên sẽ giúp bạn đạt được một cuộc trò chuyện như ý.
[divider]
Biên dịch: Trungmaster, theo personalMastery