Tôi đang chèo lái một công ty thiết kế và sản xuất máy công nghiệp. Công việc của tôi vừa đòi hỏi phải nâng cao năng lực phát triển sản phẩm mới, vừa đòi hỏi phải góp phần thúc đẩy tình hình kinh doanh của công ty. Gần đây khi quát sát các công ty có tình hình kinh doanh tốt, tôi thấy rằng họ đều có những người sáng lập đủ uy tín thúc đẩy cả công ty phát triển. Điều này cũng đúng tại công ty của tôi. Nhiều nhân viên sẽ rất lo lắng nếu một ngày nào đó không có giám đốc hiện tại. Vậy Toyota đã làm cách nào để vượt qua nỗi “sợ hãi” khi người sáng lập không còn trong công ty?
Phóng viên: Theo tôi được biết, nhiều công ty phát triển rất nhanh nhờ vào tài năng của người sáng lập. Cũng không ít công ty lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi họ mất đi người sáng lập. Điều này có thể là do người sáng lập đã không truyền tải được lý niệm kinh doanh của mình tới các nhân viên. Điểm mạnh của Toyota chính là họ mang trong mình DNA của ông Toyoda Shoichiro. Những “người” hấp thụ được DNA này chính là nền tảng tạo nên sức mạnh của Toyota. Vậy ông có thể cho biết làm cách nào để Toyota có thể truyền đạt được DNA của người sáng lập với qua từng thời kỳ.
Ông Yasumei: Ông Toyoda Shoichiro mất năm 1952, rất sớm khi mới chỉ hưởng thọ 57 tuổi. Sau chiến tranh, Toyota đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản khiến ông Toyoda buộc phải từ chức. Lúc này, công ty như đang trước bờ vực.
Tuy nhiên, kể cả trong thời điểm này DNA của ông Toyoda cũng không bị thất truyền. Minh chứng rằng, tại Toyota vẫn còn rất nhiều hậu bối đang làm việc trong đó có tôi, mặc dù chúng tôi chưa từng gặp ông Toyoda. Chúng tôi được thừa hưởng điều này thông qua chỉ đạo của lớp quản lý trong công việc. Trong số đó, có thể nói ông Toyoda Eiji là người hấp thụ được trọn vẹn nhất DNA này.
Ông Toyoda Eiji là truyền nhân của ông Toyoda Shoichiro
Phóng viên: Ông Toyoda Eiji là giám đốc đời thứ 5 của Toyoda (từ 1967~1982). Tôi được biết ông làm việc trong thời kỳ Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng cơ giới hoá và đã đưa ra những mẫu xe nổi tiếng như Crown và Corolla. Ngoài ra, ông cũng dẫn dắt đưa Toyota trở thành công ty sản xuất ô tô có tiếng.
Ông Yasumei: Ông Eiji là một trong số ít nhà kinh doanh luôn thân thiện và được mọi nhân viên yêu mến. Chính ông cũng là người truyền đạt lại cho chúng tôi DNA của Toyota. Toyota là công ty luôn coi trọng việc xây dựng văn hoá. Thứ nhất, họ coi trọng con người, thứ hai, coi trọng việc đào tạo con người, thứ ba coi trọng việc làm việc nhóm, và thứ 4 coi trọng việc duy trì và nỗ lực từng chút từng chút trong công việc. Và ông Eiji chính là người đã có công rất lớn nuôi lớn suy nghĩ trong mỗi nhân viên Toyota. Để chế tạo được một chiếc ô tô tốt cần phải nâng cao động lực làm việc của mỗi nhân viên. Và văn hoá công ty được xây dựng với mục đích này.
Suy nghĩ “Sản xuất chính là đào tạo con người”
Phóng viên: Tôi thấy làm lạ khi hỏi nhân viên Toyota “Ai là người anh kính trọng nhất” thì hầu như đều nhận được câu trả lời “Đó là ông Eiji”. Ông có thể giải thích điều này không?
Ông Yasumei: Toyota có một câu nói rất nổi tiếng mà nhiều công ty Nhật cũng phải bắt chước theo. Đó là “sản xuất chính là đào tạo con người”. Bởi con người tạo ra sản phẩm nên nếu không đào tạo con người thì không thể bắt đầu xây dựng sản phẩm. Đây chính là suy nghĩ của ông Eiji. Ông luôn đứng trước mọi nhân viên và nói rằng “nếu các anh không thể đào tạo ra những con người mang niềm đang mê vô tận thì khó có thể tạo ra được một sản phẩm tốt”.
Đúng là không hiếm những nhà kinh doanh mang suy nghĩ coi trọng con người. Thế nhưng số người có thể biến đó thành hành động thực thế không nhiều.
Ông Eiji được biết đến là “người thích công xưởng hơn cả bữa ăn”, chỉ quay đi quay lại là lại thấy ông xuống xưởng rồi. Khi còn trẻ, trong lúc tôi đang làm việc ông đã từng tới hỏi “cậu đang làm gì thế”. Khi đó tôi còn chưa biết ông là ai, chỉ đơn giản giới thiệu những gì mình đang làm. Ông nghe xong và nói “trời rất nóng, cậu cố gắng lên nhé” rồi đi mất. Sau này nghe các tiền bối nói, tôi mới biết mình được tiếp chuyện ông Eiji. Điều làm tôi bất ngờ hơn là ông đã bắt chuyện ngay cả khi tôi chỉ là một nhân viên bình thường. Điều này sau này đã biến thành động lực làm việc của tôi và biến tôi trở thành một fan lớn của ông. Tự nhiên trong tôi nảy sinh suy nghĩ “tôi muốn làm việc vì ông Eiji”.
[divider]
Bùi Linh
Tham khảo Nikkei Monozukuri