Trong cuốn sách Sprint: How to Solve Big Problems and Test New Ideas in Just Five Days (tạm dịch: Chạy nước rút- làm thế nào để giải quyết vấn đề lớn và thử nghiệm ý tưởng mới chỉ trong năm ngày), tác giả Jake Knapp đã trình bày lại chi tiết về quá trình anh cùng các đồng nghiệp tại Google Ventures đã làm để đưa một sản phẩm mới ra thị trường. Bài viết dưới đây sẽ tóm lược và giới thiệu những điểm quan trọng trong cuốn sách đó đến với quý bạn đọc.
Khi bạn gặp một vấn đề lớn, theo lẽ thường bạn sẽ muốn giải quyết chúng ngay lập tức. Trong năm ngày chạy nước rút, nhóm của bạn sẽ luôn hừng hực khí thế và những giải pháp mới sẽ không ngừng xuất hiện. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách để kiềm chế lại, chia sẻ những gì mình biết, và thiết lập thứ tự ưu tiên, thì kết quả có thể là bạn đang lãng phí thời gian và tiếp cận vấn đề sai hướng.
Giả sử bạn có một cỗ máy thời gian, nếu bạn nhảy đến thời điểm cuộc chạy nước rút kết thúc (5 ngày sau), bạn sẽ có câu trả lời cho câu hỏi nào ?. Hoặc nếu bạn nhảy đến thời điểm 6 tháng hoặc 1 năm sau, liệu kết quả của dự án hiện tại có giúp cải thiện công việc kinh doanh của bạn không ?.
Trong cuốn sách của Jake Knapp, “Bắt đầu từ điểm kết thúc” là một bài tập được thực hiện ngay trong ngày đầu tiên của năm ngày chạy nước rút. Bài tập này tức là bạn sẽ dành thời gian để viết lại cụ thể chi tiết những thứ có thể sẽ xuất hiện trong quá khứ. Bạn sẽ bắt đầu từ mục tiêu xa của dự án, bằng cách hỏi các đồng đội của mình:
“Tại sao chúng ta lại thực hiện dự án này ? Chúng ta muốn mình ở đâu trong 6 tháng, 1 năm hay thậm chí 5 năm tới ?”.
Phần thảo luận có thể kéo dài trong 30 giây cho đến 30 phút. Nếu nhóm của bạn chưa đồng tình về mục đích, hoặc còn thiếu rõ ràng thì đừng ngại ngần tiếp tục cuộc thảo luận cho đến khi mọi thứ đều sáng tỏ. Kiềm chế trong giai đoạn đầu có thể khiến một số cá nhân khó chịu, thế nhưng một mục tiêu rõ ràng sẽ có ích trong suốt cả tuần chạy đua.
Mục tiêu của dự án nên phản ánh các nguyên tắc và nguyện vọng của cả nhóm. Đừng lo rằng mình đang đặt mục tiêu quá cao. Quá trình “chạy nước rút” sẽ giúp bạn xác định điểm khởi đầu tốt và có một quy trình đủ mạnh, thực tế hướng đến những mục tiêu to lớn. Khi bạn đã chốt được mục tiêu xa, hãy viết nó lên trên một chiếc bảng trắng. Mục tiêu sẽ nằm nguyên ở đó và trở thành kim chỉ nam cho mọi người cùng hoạt động.
Bây giờ là lúc bạn cần thay đổi thái độ. Lý do là bởi khi viết mục tiêu xa, bạn cần phải luôn lạc quan, và tưởng tượng về một tương lại thật hoàn hảo. Nhưng sau thời điểm đó, bạn phải là một người bi quan. Hãy tưởng tượng bạn đang ở một thời điểm nào đó của tương lai, và dự án của bạn bây giờ là một thảm hoạ. Điều gì khiến dự án thất bại ? Mục tiêu của bạn đã bị chệch đi bởi lý do gì ?.
Ẩn bên dưới những mục tiêu giả định là những giả thiết nguy hiểm. Những giả thiết càng xa thì càng khó kiểm định, cũng đồng nghĩa nguy cơ càng cao. “Chạy nước rút” là cơ hội vàng để bạn phát giác những giả thiết đó, biến chúng thành những câu hỏi và đi tìm câu trả lời.
Tương tự như mục tiêu, các câu hỏi đó sẽ là đường dẫn cho bạn đến giải pháp và quyết định xuyên suốt cuộc chạy nước rút.
Hãy lập danh sách các câu hỏi trong cuộc “chạy nước rút”
Hãy liệt kê tất cả câu hỏi trong cuộc “chạy nước rút” trên một chiếc bảng khác. Có một số mẫu để giúp các thành viên trong nhóm nghĩ về các giả thiết và câu hỏi như sau:
– Những câu hỏi nào bạn muốn trả lời trong cuộc “chạy đua” ?
– Để đạt được mục tiêu xa, bạn cần phải đạt được điều gì ?
– Tưởng tượng chúng ta đang du hành tương lai và dự án hiện tại đã thất bại. Nguyên nhân của nó là gì ?
Một phần quan trọng của bài tập này là biểu diễn các giả thiết thành các câu hỏi cụ thể. Giả sử khi cửa hàng Blue Bottle Coffee thực hiện “chạy nước rút” để xây dựng một cửa hàng online, họ đã giả thiết rằng sẽ có một cách nào đó để giới thiệu chuyên môn của mình đến cách khách hàng mới. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết chắc phải làm thế nào trước khi tiến hành chạy nước rút. Ở đây, chúng ta thấy không khó để biến giả thiết của Blue Bottle thành câu hỏi:
Q: Làm thế nào để tìm được khách hàng mới ?
A: Họ cần phải tin tưởng vào chuyên môn của chúng ta .
Q: Làm thế nào để chúng ta biến giả thiết này thành câu hỏi ?
A: Liệu khách hàng có tin tưởng chuyên môn của chúng ta không ?
Đoạn hội thoại này tuy nghe có vẻ hơi kỳ kỳ. Thông thường sẽ chẳng có ai nói chuyện như vậy cả. Tuy nhiên mục đích ở đây là biến những vấn đề tiềm năng này thành các câu hỏi (do đó có kỳ kỳ một chút cũng ko sao). Quá trình chuyển đổi này sẽ giúp chúng ta dễ theo dõi chúng hơn, và dễ đưa ra câu trả lời bằng các hình vẽ, biểu đồ, hình mẫu, bài thử nghiệm. Tóm lại, mấu chốt ở đây là đoạn hội thoại này đã biến một thứ không chắc chắn (và hơi khó chịu) thành thứ khiến người ta tò mò (và thấy thú vị, muốn trả lời).
Đôi khi bạn sẽ chỉ cần trả lời một hoặc hai câu hỏi trong quá trình “chạy nước rút”. Cũng tốt. Hoặc cũng có thể bạn sẽ gặp hàng tá câu hỏi. Cũng chẳng sao. Nếu bạn gặp quá nhiều câu hỏi, xin đừng vội cố gắng chọn lọc xem câu hỏi nào quan trọng hơn. Bạn sẽ tiến hành điều đó vào cuối ngày của ngày đầu tiên trong cuộc “chạy nước rút”, khi bạn lựa chọn đối tượng.
Lời kết
Bằng cách “Bắt đầu từ điểm kết thúc”, bạn sẽ đối diện với chính nỗi sợ hãi của mình. Những câu hỏi quá lớn và khó hiểu sẽ khiến bạn khó chịu lúc đầu, nhưng bạn sẽ thấy tự tin hơn khi chúng được liệt kê vào cùng một danh sách. Bởi vì khi đó bạn biết mình đang đi đâu và chướng ngại của bạn là gì.
Bạn có nghĩ như thế không ? Hãy chia sẻ cảm tưởng của bạn với chúng tôi trong phần comment bên dưới.
[divider]
Biên dịch: Trungmaster, nguồn: nirandfar.com