Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Ngay cả tại Nhật Bản, họ đồng thời cũng hết sức coi trọng việc đi thực tế để nắm bắt được hiện trạng, sau đó mới có thể đưa ra được quyết định chính xác.
Genchi-genbutsu là câu cửa miệng của một ông giám đốc Toyota. Thực tế đặt chân tới công xưởng (genchi), nhìn tận mắt vấn đề, chạm vào vật (genbutsu) quan sát hiện tượng, vấn đề một cách khách quan được định nghĩa là chủ nghĩa hiện trường hiện vật (genchi-genbutsu). Đây là truyền thống và cũng là điểm mạnh của Toyota. Thay vì ngồi trên bàn giấy, suy nghĩ A, B, C, D thì bạn nên xuống hẳn công xưởng, nhìn tận mắt vấn đề để tự mình xác nhận vấn đề, lọc ra được những yếu tố quan trọng. Nếu làm được như vậy, việc tiến hành kaizen sẽ được tiến hành nhanh và hiệu quả hơn.
Suy nghĩ dựa trên sự thực
Trước đây người làm được việc là người có nhiều kinh nghiệm, có cảm tính sắc bén, nhưng ngày nay kinh nghiệm và cảm tính không còn là yếu tố quan trọng để đánh giá một người có thể làm được việc nữa. Lý do vì nhu cầu của xã hội trong xây dựng cách làm việc không còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và cảm tính nữa. Cách tiến hành công việc không dựa vào kinh nghiệm, cảm tính mà dựa trên hiện thực này được gọi là Factor Control. Trong phạm vi cho phép, hãy cố gắng nắm được hiện trạng bằng số liệu mang tính định lượng, từ đó đưa ra những quyết định mang tính khách quan. Nếu nắm được hiện thực một cách chính xác thì bạn sẽ giảm được việc phải “thử” hay “mò mẫm”, theo đó mà giảm được thời gian và công sức.
Nói tóm lại, hãy rời bàn giấy, bước tới tận nơi, quan sát vấn đề, thu thập số liệu, quyết định khách quan là suy nghĩ căn bản trong quản lý chất lượng.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn