Nếu bạn muốn công ty mình đang công tác phát triển hơn thông qua phương thức kaizen (cải thiện) Toyota, đây là bài viết dành cho bạn.
Bạn có đang hi sinh thứ gì quan trọng khi cố gắng hạ chi phí sản xuất hay không?
Đừng cố nhập linh kiện với giá rẻ, hãy suy nghĩ để có thể bán được hàng với giá phải chăng. Cách nhẹ nhàng nhất để hạ giá thành sản phẩm chính là yêu cầu phía các công ty đối tác phải giảm giá nguyên vật liệu và linh phụ kiện. Để đạt được điều này, cần nỗ lực trong đàm phán nhưng công ty ta lại chẳng phải chịu bất cứ thiệt hại gì.
Tuy nhiên, nếu lặp đi lặp lại việc này thì càng ngày sẽ càng khó khăn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các công ty đối tác. Hơn nữa, cách làm này khiến công ty ta không thể tích luỹ được thêm bất cứ kinh nghiệm có giá trị nào để giải quyết bài toán giá thành. Điều này đồng nghĩa với năng lực cạnh tranh của công ty sẽ ngày một yếu dần đi.
Trong quá trình mở rộng phương thức sản xuất Toyota, Ông Oono Taiichi (phó giám đốc công ty Toyota) đã đưa những nhân viên trẻ tuổi củaToyota đến các công ty đối tác để giúp đỡ họ trong quá trình cải cách sản xuất. Nếu cải cách sản xuất thành công, các linh kiện của công ty ấy có thể được sản xuất với giá rẻ hơn, nhanh hơn, điều đó vừa giúp cho công ty đối tác, lại còn vừa giúp giảm giá thành sản phẩm cho chính Toyota.
Mục tiêu chính của ông Oono Taiichi chính là hướng tới những cải cách sản xuất sao cho các công ty đối tác cho dù có cung cấp linh phụ kiện giá rẻ cho Toyota thì họ vẫn có được lợi nhuận.
“Nỗ lực nhập linh phụ kiện với giá rẻ” trong phương thức sản xuất Toyota không phải là cố gắng đoạt lấy lợi nhuận của công ty đối tác mà có ý nghĩa “dù có mua giá rẻ đi chăng nữa nhưng bên bán vẫn có đủ lợi nhuận thông qua việc giúp đỡ cải cách công ty bạn để cùng nhau có được sản phẩm giá rẻ”.
Tuyệt đối không dành giật lợi nhuận của công ty đối tác
Một công ty xây dựng quy mô tầm trung tại Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng phương thức Toyota trong quá trình cải cách công ty. Đề án đầu tiên mà nhân viên F đề xướng nhằm giảm giá thành chính là đề nghị giảm toàn bộ giá thu mua từ các công ty đối tác. Khi đó, cấp trên đã nói: “Đúng là bằng cách này có thể gỉảm giá thành. Nhưng về bản chất, chúng ta đang dành giật lợi nhuận từ phía công ty đối tác, đây không phải kaizen theo phương thức Toyota”.
Và rồi ông tiếp lời: “Trước hết, bản thân chúng ta cần nỗ lực để tiến hành các biện pháp kaizen. Nếu có yêu cầu đối tác giảm giá cung ứng thì phải cùng với họ đưa ra trí tuệ để sao cho họ có bán với giá rẻ thì vẫn đảm bảo được lợi nhuận”. Nghe cấp trên nói, anh F nhận ra vấn đề và ngay lập tức anh đã liên lạc với các đối tác chính, bản thân anh cùng với những nhân viên trẻ của đối tác đã cùng nhau đưa ra trí tuệ để có được những phương án kaizen vá áp dụng ngay vào thực tế.
Tất nhiên, lúc ban đầu ngay anh F đã gặp phải rất nhiều phản kháng từ phía nhân viên của công ty hợp tác. Anh vẫn kiên trì và chẳng biết từ lúc nào quá trình kaizen cũng bắt đầu dần đi vào quỹ đạo. Sau một năm, giá nhập hàng từ công ty đối tác ấy giảm một cách đáng kể trong khi lợi nhuận của họ thậm chí còn tăng lên đáng kể. Đâu chỉ có thế, qua quá trình hợp tác cùng kaizen, lớp trẻ của cả hai công ty đều trưởng thành thấy rõ, đó mới là thu hoạch lớn nhất đối với cả hai bên.
Trong trường hợp không có phương án giải quyết cụ thể, mà chỉ đơn phương yêu cầu đối tác phải giảm giá thành, phải rút ngắn thời gian giao hàng, thì hãy thức tỉnh rằng những gì nhận được sẽ chỉ là những phản kháng mà thôi. Trước khi đưa ra yêu cầu, hãy suy nghĩ và giải thích cách làm để đạt được kết quả tốt nhất và cùng nhau áp dụng vào nơi công xưởng. Muốn xây dựng được mối quan hệ lâu dài, hãy luôn ý thức về mối quan hệ “đồng cam cộng khổ”.
Toyota đã trở thành số 1 thế giới như thế này.
Trong phương thức sản xuất Toyota, có hai điểm chính một là “phải tự mình làm trước tiên” , hai là “chỉ ra được phương án cụ thể”. Tuyệt đối không được trở thành kẻ giành giật lợi ích của người khác. Điều quan trọng là phải nỗ lực để xây dựng được mối quan hệ Win-win mà cả hai bên cùng có lợi. Trong quá trình đó, bản thân công ty mình cũng sẽ trưởng thành hơn.
Nguồn: trích 図解:トヨタのすごい習慣&仕事術ー若松義人
Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy.