※Ảnh minh họa (nguồn: Histox)
Khi bạn là một nhà quản lý, câu nói “Không có tin gì, tức là mọi việc đều tốt đẹp” có vẻ như không còn luôn luôn đúng nữa.
Biết đâu chừng bạn đang giam mình trong “cái giếng” của bản thân đấy (hoặc dễ hiểu hơn là tự nhốt mình trong phòng và khóa trái cửa lại). Bạn cứ thế nghĩ rằng mọi việc đang diễn ra trôi chảy, tốt đẹp với các nhân viên của mình, chỉ vì lúc đó bạn chẳng-nghe-thấy-ai-phàn-nàn-gì-cả (bạn đang khóa cửa mà, nhớ không?). Đó quả là một tình huống giả định tồi tệ.
Ngoài ra, các nhân viên cũng có thể không muốn chia sẻ hay đem các vấn đề đến với bạn vì một lý do khác- HỌ KHÔNG TIN TƯỞNG BẠN. Hoặc giả cứ mỗi khi họ cố gắng cảnh báo bạn một điều gì đó thì bạn lại xù lông nhím và gán cho họ cái mác “kẻ phàn nàn”, “thằng chim lợn”…chả hạn.
Bạn có từng bộc lộ một trong các dấu hiệu kiểu “cấm ý kiến” đó trong văn phòng của mình không ? Nếu có, bạn nghĩ rằng những dấu hiệu đó nói với nhân viên của bạn điều gì? “Câm miệng lại và hãy làm công việc của mình đi”, có lẽ là như thế đấy.
Với việc thiếu vắng một nền tảng niềm tin vững chắc và một phương thức giao tiếp hai chiều, thì tôi tin rằng, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe được những điều dưới đây từ nhân viên của bạn đâu (mà trong đó có rất nhiều điều bạn nên nghe đấy):
1. Tôi đang tìm một công việc mới
Sẽ không còn gì bất ngờ nếu nhân viên thông báo với bạn về việc đó trước hai tuần (two-week notice). Khi điều đó xảy ra, có nghĩa là đã quá muộn để níu giữ nhân viên đó. Chỉ có một nguyên nhân (hoặc nhiều nguyên nhân) đó là họ đang tìm kiếm một vị trí khác. Chìa khóa để níu giữ những nhân viên tuyệt vời chính là phát hiện những dấu hiệu, nguồn gốc nhỏ nhất của sự bất mạn trước khi chúng kịp trở lên lớn mạnh, ngoài tầm kiểm soát.
2. Tôi không bận lắm và có thể đảm nhiệm thêm một số việc khác
Không có nhiều nhân viên chủ động đề nghị với người quản lý để làm thêm việc. Phần lớn mọi người sẽ chỉ cố gắng làm hết phận sự của mình trong ngày và biện minh rằng chúng đủ quan trọng. Với vai trò là một nhà quản lý, việc đảm bảo rằng các nhân viên của mình đang được thử thách, đang hoạt động hết công suất, với các công việc có giá trị, tính ưu tiên cao rõ ràng là công việc của bạn đấy.
3. Anh thật là tồi tệ trong việc ….
Mọi người đều có điểm yếu, và những “điểm mù”. Thế nhưng chẳng có thằng nhân viên ngu ngốc nào tự nhiên dám chỉ thẳng mặt người quản lý để nói điều đó, quá mạo hiểm. Thay vì vậy, bạn có thể chủ động hỏi về phản hồi, và quan trọng hơn là hồi đáp một cách tích cực (chứ không phải kiểu “xù lông nhím” đâu nhé) để mở ra một con đường cho các nhân viên có thể giúp bạn che chắn “điểm mù” của mình.
4. Anh thích cái này à? (hỏi đáp thân thiện)
Có phải bạn chỉ là “bạn” với một số nhân viên, còn với một số khác thì ko ? Bạn có thể nghĩ rằng mối quan hệ của mình với những nhân viên ngoài giờ sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến cách bạn đối xử với họ. Thế nhưng thực ra, nó vẫn tạo cảm giác rằng nó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn dù bạn có thực sự nghĩ vậy hay không.
5. Chúng tôi hy vọng anh sẽ đi ra ngoài, để chúng tôi được nghỉ ngơi và bớt lo lắng
Vâng, việc bạn gia nhập cùng các đồng nghiệp và uống một chút sau giờ làm việc là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, điều quan trọng là bạn phải đối mặt với một sự thật: BẠN LÀ ÔNG CHỦ, và tất cả các nhân viên đều có một lý do để e dè và muốn “trút bầu tâm sự” về bạn, dù bạn có là người quản lý tuyệt vời nhất. Vậy nên khi liên quan đến các vấn đề xã hội, hãy nhớ một quy tắc hàng đầu “đãi một chầu và thôi”.
6. Anh chẳng biết gì về những gì tôi đang làm, và chẳng có vẻ gì là quan tâm cả
Mặc dù không có nhân viên nào muốn làm việc cho một nhà quản lý quá tỉ mỉ và sát sao nhưng họ vẫn luôn hy vọng ông chủ của mình sẽ hiểu về việc mà họ đang làm. Và quan trọng hơn, họ muốn biết rằng công việc của mình là quan trọng và được đánh giá đúng.
7. Đồng nghiệp của tôi đang dấu giếm một đống rắc rối và anh chả biết gì
Chẳng ai muốn nói xấu về các đồng nghiệp của mình. Vậy nên các nhân viên sẽ hy vọng người quản lý của mình đủ tinh tế để biết rằng ai đang là gánh nặng của họ và ai thì không.
8. Xin lỗi, tôi đang cố nói chuyện với anh đây, nhưng anh chả để tâm gì
Bạn có đảm bảo là luôn chú ý 100% đến nhân viên khi giao tiếp với họ? Bạn có lơ đễnh đi đâu không đấy ? Hay cụ thể hơn là bạn không đồng thời kiểm tra email, kiêm nhiệm thêm nhiều việc khác hay nằm mơ giữa ban ngày khi ..họ nói đấy chứ ? Các nhân viên của bạn xứng đáng được nhận trọn vẹn sự chú ý của bạn. Nên họ sẽ cảm thấy bất mãn, không phục khi họ không cảm thấy rằng mình nhận được điều đó.
9. Anh không vui tính như anh tưởng đâu
Đây là một thực tế khá phũ phàng trong công việc quản lý: chỉ vì các nhân viên cười sằng sặc vì câu chuyện cười của bạn, điều đó không có nghĩa bạn là một người vui tính. Hãy nhìn lại mình xem, “cười” chẳng qua chỉ là việc chúng ta phải làm khi ở gần ông chủ của mình mà thôi.
10. Tôi chả ưa gì anh
Phần lớn các nhà quản lý đều muốn được yêu thích bởi các nhân viên của mình. Nhưng muốn “được thích” là một điều không tưởng và một mục tiêu không cần thiết của nhà lãnh đạo. Lãnh đạo không phải là một cuộc thi về sự nổi tiếng, việc được kính phục đáng giá hơn nhiều.
Tác giả: Dan McCarthy
Biên dịch: Trungmaster, theo About.com