Những bước cơ bản khi thiết kế một mẫu xe mới

 Quá trình phát triển thiết kế mẫu ô tô mới thường được chia làm 5 bước chính. Trước tiên nhà thiết kế phải quyết định sản xuất một chiếc xe hơi thế nào? Và nó sẽ được thiết kế ra sao? Đây là bước “đưa ra ý tưởng cho sản phẩm”. Bước tiếp theo là “phát triển ý tưởng”. Một ý tưởng khi được phát triển ra sẽ có thể cho ta hàng trăm phương án khác nhau. Sau khi quyết định những phác thảo quan trọng, sản phẩm sẽ được “mô phỏng”. Tiếp đến, khi kết quả phân tích được chấp nhận thì mẫu mô phỏng sẽ được “dữ liệu hóa” và cuối cùng là “sản phẩm hóa”. Trong giai đoạn cuối cùng này, sản phẩm sẽ vừa được chế tạo và sửa thiết kế cho phù hợp trước khi chúng được đưa tới tay khách hàng.

Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu kĩ hơn các quá trình thiết kế một chiếc xe thông qua quá trình thiết kế mẫu Land Cruiser nổi tiếng của hãng xe Toyota.

Các bước cơ bản khi thiết kế một sản phẩm
1. Ý tưởng cho sản phẩm

Trong những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều các mẫu xe của các hãng xe nổi tiếng với nhiều kiểu dáng và chức năng mới. Trước khi thiết kế một mẫu xe thì những nhà thiết kế vẫn luôn tự hỏi “một mẫu xe như thế nào thì sẽ có khả năng cạnh tranh trên thị trường, những chức năng nào sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng?”. Tuy nhiên, không phải ai khác mà chính họ phải tự quyết định mẫu xe mình sẽ thiết kế bằng những kinh nghiệm đã có. Tất nhiên, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi tìm hiểu thị trường, phân tích điểm mạnh yếu của mẫu xe và khả năng cạnh tranh với đối thủ.

2. Phát triển ý tưởng
Rất nhiều ý tưởng được đưa ra (nguồn Toyota)

Với ý tưởng thiết kế đã quyết định ở giai đoạn trên, các nhà thiết kế sẽ bắt đầu  phác họa sản phẩm. Thường thì mỗi sản phẩm mới ra đời thường có những cái tên riêng hay đi theo một concept (chủ đề) nhất định. Vậy làm sao để có được concept cho sản phẩm mới? Bằng cách phác họa hàng trăm thiết kế từ ý tưởng ban đầu, các nhà thiết kế có thể chọn cho sản phẩm một chủ đề phù hợp. Đôi khi chỉ cần hoàn thành một chi tiết nhỏ cũng có thể nảy sinh chủ đề mới cho sản phẩm. Một sản phẩm không có chủ đề thì rất khó để trở thành một sản phẩm có giá trị đối với cả nhà sản xuất và khách hàng.

3. Phác thảo những điểm quan trọng

Quyết định kiểu dáng (Nguồn Toyota)

Trong rất nhiều những ý tưởng đã được phác thảo, người thiết kế sẽ lựa chọn ra mẫu mà mình cảm thấy ưng ý nhất. Bằng kinh nghiệm của mình các nhà thiết kế có thể chọn ra những mẫu phù hợp với thị hiếu của số đông khách hàng. Bằng cách này kiểu dáng đã được quyết định. Đây là bước khá quan trọng trong và thú vị quá trình phát triển sản phẩm mới.

4. Mô phỏng sản phẩm
Công đoạn mô phỏng sản phẩm (Nguồn Toyota)

Sau khi kết thúc phác họa 2D cho sản phẩm, các nhà thiết kế sẽ dùng vật liệu nhựa để dựng hình thực cho sản phẩm. Trong quá trình này, những thiết kế có thể được thay đổi cho phù hợp với thực tế. Để tạo hình khối cho chiếc xe Land Cruiser, Toyota đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người Ý. Người Ý được mệnh danh là những chuyên gia dựng hình khối mô phỏng cho các sản phẩm mới.

Hoàn thành sản phẩm mẫu (Nguồn Toyota)

Thoạt nhìn chắc các bạn cũng không thể nhận ra đây chỉ là mẫu bằng nhựa công nghiệp và chiếc xe này hoàn toàn chưa được thiết kế nội thất bên trong, cũng như chưa lắp động cơ và các cơ cấu truyền động. Cũng có lẽ vì thế mà kính phía trước của mẫu này có màu đen và bạn cũng không thể mở được cửa xe. Đây đơn giản mới chỉ là mẫu thử giúp các nhà thiết kế đánh giá sự hợp lí về kích thước và “ngoại hình” trước khi nó trở thành sản phẩm thực sự.

Sau khi mẫu thử được làm xong, nhà sản xuất sẽ tiến hành đo đạc các kích thước thực bằng cách sử dụng camera và máy đo 3D. Để đo hết được kích thước của một chiếc ô tô nhà sản xuất cũng phải mất không dưới một ngày.

5. Dữ liệu hóa sản phẩm
Mô phỏng và phân tích sản phẩm (Nguồn Toyota)

Sau khi đo đạc các kích thước thực của các bề mặt, sản phẩm sẽ được mô phỏng lại bằng phần mềm với các tỉ lệ khác nhau để đánh giá các bề mặt. Để đánh giá xem các bề mặt có biến dạng trong giới hạn cho phép hay không nhà sản xuất dùng các đường biểu thị ứng suất như hình  bên trên. Bề mặt ít biến dạng là bề mặt có nhiều đường nét đậm và gần như phẳng. Ngược lại, những bề mặt có nhiều nét mảnh sẽ biểu thị tại đó sẽ xảy ra biến dạng. Qua đó các nhà thiết kế có thể sửa lại những bề mặt chưa đạt yêu cầu và dần hoàn thiện sản phẩm

Thiết kế nội thất (Nguồn Toyota)

Sau khi hoàn tất việc chỉnh sửa các bề mặt bên ngoài thân xe, các nhà thiết kế sẽ bắt tay vào làm nội thất. Tất nhiên, công đoạn này cũng được tiến hành hoàn toàn trên máy tính. Hình bên dưới thể hiện 3 trường hợp khi đặt đồng hồ đo tốc độ tại những vị trí khác nhau.

Xem xét vị trí đặt đồng hồ tốc độ (Nguồn Toyota)

Đối với trường hợp đồng hồ được đặt ngay phía sau tay lái. Thoạt nhìn tưởng chừng đây sẽ là vị trí thích hợp khi khi đồng hồ nằm thẳng với tầm mắt của người lái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng chiều cao. Những người có chiều cao thấp hơn sẽ gặp những trở ngại nhất định khi chính chiếc tay lái lại trở thành vật cản trở tầm nhìn. Và cuối cùng các nhà thiết kế đã chọn vị trí ở giữa để đặt chiếc đồng hồ tốc độ.

Việc cuối cùng trong khâu thiết kế  là chọn mầu cho sản phẩm. Cũng giống như những khâu khác để chọn được màu sắc thích hợp cho những mẫu xe mới, các nhà thiết kế phải tiến hành điều tra thị trường kết hợp với việc mô phỏng màu sắc bằng phần mềm trước khi quyết định những màu sẽ được sử dụng.

Đến đây chúng ta đã phần nào hiểu được quy trình thiết kế một chiếc xe. Nếu là một nhà thiết kế, bạn sẽ mang những tính năng và kiểu dáng nào vào trong mẫu thiết kế của mình?


Biên tập: Bùi Linh
Theo bài giảng của thầy Toru Kimura (Kawasaki)

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan