Chính phủ Abe với những chính sách kinh tế mới (được gọi là Abenomics) đã đem lại một làn sóng phục hồi cho kinh tế cho nước Nhật. Đối với những người lao động (nhân viên, nhân viên không chính thức, làm thêm arubaito) thì kỳ vọng lớn nhất của họ là KINH TẾ PHỤC HỒI SẼ CÓ CƠ HỘI TĂNG LƯƠNG. Tuy nhiên liệu rằng: Kinh tế tốt hơn và tăng lương lúc nào cũng đúng?.
Kinh tế phục hồi và tiền lương – đó là kỳ vọng của người dân vào những chính sách kinh tế Abe (Abenomics) của chính phủ nhiệm kỳ 2 thủ tướng Abe. Mới vài ngày trước đây Đảng dân chủ tự do của ông Abe đã thắng lớn trong kì bầu cử thượng viện, điều này có nghĩa là tới đây những chính sách của chính quyền Abe sẽ không gặp phải bất kỳ rào cản lớn nào. Nhưng cũng chính lúc này có nhiều câu hỏi xoay quanh giá trị thực sự của Abenomics được đặt ra. Ví dụ như: “Tiền lương thật sự có tăng?”, “khi nào thì những dấu hiệu này sẽ bắt đầu xuất hiện?”. Xin giới thiệu một cách nhìn về mối quan hệ giữa tăng lương và thay đổi cơ cấu nền kinh tế của Nhật Bản thông qua bài phỏng vấn phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Mizuho, một người am hiểu về chính sách lao động, ông Sugiura Tetsurou.
Câu hỏi : Với chính sách Abenomics, người ta đang kỳ vọng cao về sự phục hồi kinh tế. Trong sự kỳ vọng đó, mối quan tâm lớn nhất của những người lao động trong các doanh nghiệp là Lương của họ có tăng không? và Nếu có tăng thì khi nào mới bắt đầu?. Theo ông thì trong tương lai gần, liệu lương có tăng hay không?.
Nhìn chung, cho tới thời điểm này việc tăng lương ngay lập tức là rất khó khăn. Trước hết chúng ta hãy cùng điểm lại một chút những thay đổi về tuyển dụng và lương trong quá khứ. Nếu nhìn từ năm 1997 là khi khủng hoảng tài chính diễn ra cho tới năm 2012, trong vòng 15 năm GDP đã tăng được 9.4%. Trong thời gian đó, số lượng người lao động cũng tăng lên. Tuy nhiên nếu ta nhìn cụ thể hơn thì lượng nhân viên chính thức đã giảm 472 vạn người, còn nhân viên không chính thức lại tăng lên 661 vạn người và chiếm hơn 1/3 tổng số người lao động.
Như vậy là, tỷ lệ những người nhân viên không chính thức với mức lương thấp hơn đã tăng lên, theo tính toán trên số liệu 15 năm qua kể từ năm 1997 có những năm mức lương giảm mạnh tới 12.8%. Thực tế là lương đã giảm 9.2% sau 15 năm qua.
Như vậy có thể nói rằng việc làm được tạo ra từ kinh tế phát triển chỉ là những việc làm nhân viên không chính thức. Và như thế tính ổn định của các kết quả tạo việc làm đó đã thất bại, mặt bằng đời sống sinh hoạt đã giảm đi khá nhiều.
Vào giữa những năm 2000 của thời kỳ chính quyền thủ tướng Koizumi, kinh tế đã phục hồi mạnh nhất từ sau thế chiến nhưng những cơ hội tuyển dụng lại giảm đi, vì vậy tiền lương cũng không có áp lực để được nâng lên. Thêm vào đó năm 2008 do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính Mỹ (Lehman shock) lương của người lao động lại bị giảm xuống nhanh hơn. Thủ tướng Abe đã quay lại với chính sách trước đó, duy trì trạng thái như hiện tại.
Nếu nhìn như thế, chúng ta thấy cơ hội việc làm đang yếu đi, lương giảm xuống có thể nói đó là vấn đề của cơ cấu, cấu trúc. Cho tới bây giờ, nếu vấn đề “vì sao lương lại cứ giảm đi” không được phân tích kỹ lưỡng, thì dự đoán “Lương sẽ tăng nhờ vào Abenomics” sẽ không có ý nghĩa.
“Kinh tế tốt hơn và tăng lương” không phải lúc nào cũng đúng
Câu hỏi: Liệu tình hình kinh tế cơ bản đang thay đổi phải không?.
Vào kì shuntou năm nay (vào mỗi khoảng tháng 2 hàng năm, tại các doanh nghiệp trên khắp nước Nhật, những đoàn thể đại diện cho quyền lợi của người lao động tham gia đàm phán thay đổi điều kiện lao động với các chủ doanh nghiệp) có cảm giác rằng số lượng các doanh nghiệp cam kết tăng lương định kỳ, tăng lương cơ bản hay tăng lương giờ làm cho người lao động đã nhiều hơn trước.
Do thủ tướng Abe có yêu cầu các doanh nghiệp lớn tăng lương, nên có cảm giác các doanh nghiệp như trong các ngành máy điện, ô tô, đóng tàu, máy móc cơ khí, tiểu thương đã làm những vấn đề như tăng lương định kỳ, tăng lương cơ bản, tăng thu nhập giờ làm trong đợt shuntou. Nhưng cho tới giờ những doanh nghiệp đó đã làm như cam kết hay hay chưa thì vẫn chưa chắc chắn.
Và trong thời kì shuntou, lương có được tăng lên chăng nữa, chưa chắc người lao động đã thật sự được thu nhập. Thực tế, ta thử so sánh tỷ lệ tăng lương trong những đợt shuntou từ sau năm 1980 với tỷ lệ thay đổi thu nhập thực tế trên một người, sau 15 năm, tỷ lệ tăng lương có tổng là 30%, nhưng ngược lại thu nhập của mỗi người lao động tại các doanh nghiệp lại bị giảm 15%.
Kinh tế phục hồi, dẫn tới có những động thái hô hào tăng lương trong mỗi đợt shuntou, nhưng vì các doanh nghiệp tăng thêm nhân viên không chính thức, giảm chi phí ở các bộ phận khác, cho nên nhìn chung có thể nói lương không tăng.
Tóm lại, tính liên động (tăng cùng tăng, giảm cùng giảm) của tình hình kinh tế và lương là khá lỏng lẻo nếu ta bỏ qua loại công việc tính lương theo giờ. Bởi vậy, tỷ lệ phân bổ lao động (tỷ lệ giá trị được phân bổ cho lao động bởi những người sử dụng lao động trong tổng giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp tạo ra) đang giảm dần. Chính vì vậy cái suy nghĩ “Kinh tế tốt lên thì lương sẽ tăng” không còn dùng được cho ngày nay.
Câu hỏi: Nhìn toàn thể, cái vấn đề tính cấu trúc nào đã làm cho tiền lương mãi không tăng?
Nguyên nhân thì có nhiều, vấn đề vĩ mô như cấu trúc nền kinh tế hay nguyên nhân từ thị trường, vấn đề vi mô bao gồm các doanh nghiệp. Nhưng nói chung gồm 4 nguyên nhân chính mà chúng ta có thể nhìn thấy.
Nguyên nhân thứ 1 là do toàn cầu hóa
Nếu nhìn từ kinh tế vĩ mô: thứ nhất là do toàn cầu hóa, cải tiến kỹ thuật, cạnh tranh với các nước đang phát triển, cách mạng số đã khiến cho cấu trúc nền kinh tế bị thay đổi. Trong cái dòng chảy đó, các nước phát triển phải sử dụng máy móc thay lao động trong tầng trung gian của hoạt động sản xuất, vì thế nó chỉ sinh ra lao động đơn giản với mức lương thấp. Những năm gần đây ở chính Trung Quốc cũng diễn ra tương tự, nếu nhìn toàn cầu ta cũng thấy việc tăng lương là không dễ dàng.
Trong kinh tế nếu phần sản xuất trung gian không được tạo ra thì sẽ không phát triển ổn định được. Từ nội các của thủ tướng Noda và chính quyền Obama đã đưa ra đề xướng “Xây dựng tầng sản xuất trung gian lớn mạnh”. Theo tôi đây là một tư tướng chính xác, nhưng sau khi chính quyền Abe thành lập, đề xướng này không được nhắc tới nữa.
Nguyên nhân thứ 2 là do thị trường
Chúng ta thường nghe thấy “Các doanh nghiệp Nhật dữ trữ tiền quá nhiều” hay “Nếu sử dụng tiền dự trữ cho đầu tư và tạo việc làm thì cả doanh nghiệp và nền kinh tế đều phát triển”, tuy nhiên đó là một logic ngược. Khi mà tính xác thực không cao, tình trạng nắm chặt đồng tiền trong tay đang diễn ra, các doanh nghiệp cũng thắt chặt đầu tư và tuyển dụng, nâng tỷ lệ dự trữ lên cao nhất.
Từ sau khủng hoảng kinh tế Mỹ, những doanh nghiệp Nhật – Mỹ luôn mang tâm lý khủng hoảng tài chính, nắm chặt, không sử dụng đồng vốn. Do khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp không nhận được tiền đầu tư từ thị trường và các cơ quan tín dụng, tiền đầu tư không được lưu chuyển khiến các công ty làm ăn tốt cũng trở nên có nguy cơ phá sản. Vì vậy, để chủ động tăng cường tính lưu động cần thiết, các doanh nghiệp chỉ còn cách hạn chế đầu tư và tuyển dụng lao động.
Người viết bài: Bui Xuan Phong
Nguồn: diamond.jp
[…] < Tiếp bài phỏng vấn phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Mizuho – ông Sugiura Tetsurou> […]