Học được gì từ những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Thời gian gần đây cái tên BRICs dần xuất hiện để chỉ sự phát triển của bốn quốc gia có nền kinh tế mới nổi (Brazil, Russia, India, China), và người ta nói rằng bốn nền kinh tế này sẽ có những ảnh hưởng lớn trong tiến trình thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu. Liệu Nhật có bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của bốn quốc gia này hay không? Có thể là có, nhưng để tìm hiểu xem sự ảnh hưởng đó có khả năng xâm lấn tới Nhật ở mức độ nào thì hãy cùng tìm hiểu qua một chút về Nhật Bản.

1. Nhật đi lên từ một nước không tài nguyên, kinh tế Nhật được nâng đỡ bởi trụ cột sản xuất

Nhìn vào lịch sử từ thời trung đại trở lại đây, xã hội loài người đã trải qua nhiều cuộc cách mạng và tại mỗi giai đoạn đều có những ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế thế giới. Sẽ rất khó có thể liệt kê tất cả những cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn tới nhân loại nên tạm thời chúng ta thỏa thuận chỉ bàn tới vấn đề sản xuất mà thôi.

    1.  Cuộc cách mạng công nghiệp Anh sau đó lan sang các quốc gia châu Âu, sản xuất bằng máy móc thay thế cho sản xuất bằng sức người, sức vật.
    2.  Hệ thống dây chuyền phục vụ cho sản xuất xuất phát và phát triển mạnh tại Mỹ những năm nửa đầu thế kỷ 20, sản xuất hàng loạt thay thế cho sản xuất đơn chiếc, giá thành sản xuất được hạ xuống nhanh chóng, cuộc cạnh tranh về giá bắt đầu từ đây.
    3. Sự vươn lên của Nhật Bản với thương hiệu Made in Japan, chất lượng đi đầu và là nền tảng cho công nghiệp Nhật cũng như thế giới. Tập trung cho chất lượng hơn số lượng, sự cạnh tranh được đẩy đến mức độ tối ưu hóa trong sản xuất, cắt giảm lãng phí, loại bỏ baratsuki trong sản xuất.

Ngày nay thương hiệu Made in Japan đang dần trở thành thương hiệu chung của nhiều quốc gia. Những quốc gia đang vươn lên để san bằng khoảng cách với Nhật đó chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Sẽ còn rất khập khiễng khi đem những món hàng của Nhật ra để so với những món hàng như hiện nay của Trung Quốc nhưng xu hướng của nền kinh tế sẽ khiến chất lượng hàng hóa của những quốc gia đã và đang được trang bị nền tảng kỹ thuật vươn lên cạnh tranh về chất lượng với cả những nước lớn, kể cả Nhật Bản.

Japan Industry loat bai hoc gi tu Toyota bai 1
Miêu tả sơ lược mô hình kinh tế Nhật Bản (VietFuji)

Nhìn lại mô hình kinh tế của Nhật có thể thấy được Nhật đi lên từ sản xuất , nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và xuất khẩu để thu được lợi nhuận mang về cho Nhật nguồn vốn (tư bản) phong phú để tái đầu tư cho sản xuất và mở rộng đầu tư cho các ngành kinh tế khác. Vậy điều gì xảy ra nếu nền sản xuất của Nhật Bản không thể cạnh tranh được với những quốc gia khác? Nhìn vào mô hình chúng ta cũng có thể dự đoán được rằng khi nền tảng bị suy yếu thì những ngành kinh tế khác sẽ phải tìm hướng đi độc lập hoặc sẽ phải chịu chung số phận.

Tuy vậy, Nhật có những thứ mà quốc gia khác không thể nào bắt chước được.

2. Những yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của doanh nghiệp Nhật Bản

Nói tới Nhật Bản ta nói tới tinh thần võ sỹ đạo và văn hóa giáo dục những điều hay. Chính những điều này tạo nên tinh thần cho những doanh nghiệp Nhật Bản. Sự cần mẫn, nỗ lực không mệt mỏi, coi trọng lễ nghĩa chính là tinh thần hết sức quan trọng và cũng là chìa khóa cho sự sống còn của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ cạnh tranh quốc tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Cũng thật may cho Nhật bởi nếu những tinh thần này có thể dễ dàng học hỏi, bắt chước được thì sẽ chẳng bao lâu những nước như Đài Loan hay Hàn Quốc có thể vượt được Nhật. Những tinh thần và nét văn hóa đó là giá trị cố hữu của mỗi quốc gia, muốn du nhập những nét văn hóa và tinh thần đó cần có thời gian và dũng khí thay đổi những giá trị cố hữu đã tồn tại lâu đời trong mỗi quốc gia. Việc kế thừa những nét văn hóa đó không phải là cách suy nghĩ bảo thủ mà là cần phải lưu lại những thứ có giá trị cần truyền lại cho những thế hệ sau.

3. Văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản đang dần thay đổi

Trong bối cảnh sự cạnh tranh quốc tế đang trở nên gay gắt, văn hóa Nhật Bản đang dần thay đổi để dần thích nghi. Nhưng chính trong những sự thay đổi đó, người Nhật mới có cơ hội để chiêm nghiệm lại giá trị của những nét văn hóa đó mang lại. Trong nội dung bài này xin được đề cập tới ba nét thay đổi lớn trong chính sách của các doanh nghiệp Nhật: Chính sách thăng tiến theo thời gian cống hiến, chủ nghĩa thành quả, chính sách tuyển dụng cả đời.

Văn hóa Nhật khác với văn hóa Âu-Mỹ, có thể có chút gò bó và sự bất công đối với một số đối tượng mà ta tạm cho là có tài. Ngày nay, Nhật đang tích cực đầu tư ra nước ngoài và cần phải có những thay đổi để phù hợp với văn hóa bản địa, và dường như gần đây những thay đổi đó đang dần xuất hiện ngay cả trong chính nước Nhật.

a. Mất dần chính sách thăng tiến theo thời gian cống hiến

Ở Nhật văn hóa tiền bối – hậu bối ăn sâu vào tính cách con người, đối với doanh nghiệp cũng không phải ngoại lệ, họ coi trọng những người đi trước, dù vào công ty sớm một ngày cũng vẫn là tiền bối. Hậu bối tôn trọng tiền bối, tiền bối có trách nhiệm chỉ bảo hậu bối, mối quan hệ này không bị ảnh hưởng bởi chức vụ công việc trong công ty. Nếu là người Nhật, khi vào làm việc trong công ty, nếu bạn là người không quá tệ thì theo từng năm sẽ có những sự thay đổi trong chính sách đãi ngộ, vị trí công việc và thường là tiến chứ ít có khi lùi. Tuy nhiên gần đây, chính sách này đang dần được phế bỏ, mối quan hệ giữa người đi trước và người đi sau dần trở nên nhạt hơn, con người dần tiến sang chủ nghĩa cá nhân và điều này đồng nghĩa với những nét đẹp văn hóa, những kinh nghiệm làm việc không còn được kế thừa như trước đây.

b. Quá coi trọng chủ nghĩa thành quả

Chủ nghĩa thành quả bản thân nó không có gì là xấu, ngược lại nó còn là thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, nếu quá coi trọng chủ nghĩa thành quả, sẽ có nguy cơ chạy theo chủ nghĩa được và mất. Trong doanh nghiệp thay vì ưu tiên cho kết quả của tập thể thì mỗi cá nhân lại ưu tiên cho mình nhiều hơn. Nếu nhìn ở cấp độ cá nhân sẽ có người tiến, sẽ có người lùi nhưng về lâu dài kết quả tổng hợp sẽ bị giảm sút. Nguy hiểm hơn đó là sức mạnh làm việc nhóm sẽ theo đó mà bị kéo xuống, nhìn ở góc độ khác sức mạnh của doanh nghiệp sẽ đi xuống.

c. Mất dần chính sách tuyển dụng cả đời

Trước đây trong các công ty Nhật có chính sách tuyển dụng cả đời, có nghĩa là một người một khi đã được công ty tuyển dụng thì sẽ gắn bó với công ty tới khi nghỉ hưu. Nhưng gần đây để phù hợp với xu hướng kinh tế toàn cầu, khi du nhập những cách suy nghĩ làm việc theo phong cách Âu – Mỹ, nhiều công ty Nhật đã loại bỏ chính sách này. Bởi vậy nhân viên thay vì suy nghĩ tới một quãng thời gian gắn bó lâu dài với công ty họ chỉ cần quan tâm tới những gì diễn ra trong khoảng thời gian trước mắt. Ngày trước khi quyết định làm việc cho một công ty nào đó, người Nhật thường có quan niệm gắn bó với công ty lâu dài, vậy nên công ty cũng không ngại ngần khi bỏ ra những khoản chi phí lớn phục vụ cho việc đào tạo, nhân viên cũng an tâm làm việc, toàn tâm toàn ý để cống hiến cho hoạt động của công ty. Nhờ đó mà mỗi nhân viên đều có sự trưởng thành qua từng ngày và kết quả của quá trình ấy chỉ được phản ánh khi người nhân viên trở nên tự chủ và phát huy tối đa năng lực của mình.

Không chỉ ở cấp độ nhân viên, ngay cả ở chính sách kinh doanh, khi chính sách tuyển dụng cả đời bị phế bỏ, những suy nghĩ chiến lược dài hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng và nhạt dần đi. Thay vì suy nghĩ về tương lai thì mỗi người lại suy nghĩ về hiện tại nhiều hơn, và một hệ quả không mong muốn đó là sẽ mất dần đi tính trung thực đối với xã hội.

Quan hệ gắn bó giữa người đi trước (tiền bối) và người đi sau (hậu bối), sức mạnh của làm việc nhóm và suy nghĩ vì lợi ích tập thể, sự gắn bó lâu dài với công ty và sự trung thực đối với xã hội của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản đang có những sự thay đổi. Tuy nhiên như có trình bày ở trên, văn hóa và tinh thần là giá trị cố hữu của mỗi quốc gia nền không dễ gì mà bị mất đi một cách nhanh chóng, và cũng không dễ gì để “nhập khẩu nguyên vẹn”. Chính tại thời điểm này, khi những doanh nghiệp Nhật có những sự thay đổi, chúng ta mới có cơ hội nhìn lại những điểm mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản và cần có những cách làm để có thể áp dụng những cách làm của Nhật phù hợp với văn hóa cố hữu của Việt Nam.


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan